Trong khi đa phần người dân ở đây có cuộc sống còn khó khăn, ít vốn làm ăn, HTX đã thực hiện chính sách ứng trước vật tư nông nghiệp vào đầu vụ cho người dân và trả dần sau khi thu hoạch. Đồng thời, HTX tích cực phát triển các dịch vụ nông nghiệp nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất của thành viên, người nông dân và đặc biệt là cải thiện môi trường sản xuất và sức khỏe con người.
Bán trước – trả sau
Ông Nguyễn Thanh Hòa - Giám đốc HTX, cho biết: “Việc ký hợp đồng bán trước, trả sau đã khắc phục được tình trạng nông dân bỏ hoang đất, xuống giống kịp thời vụ, năng suất cây trồng cũng tăng lên trên đơn vị diện tích canh tác”.
Đến nay, HTX đã liên kết với Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố, cơ sở kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Thư Thành Đạt cung cấp trên 13 tấn lúa giống, ngô, đậu xanh và gần 40 tấn phân bón, 600 chai thuốc trừ sâu cho hơn 300 hộ dân phục vụ sản xuất và chăm sóc cây trồng, lợi nhuận thu về gần 240 triệu đồng/năm.
HTX mở rộng các điểm bán hàng để thuận tiện cho việc cung ứng và thu mua nông sản cho người dân |
Dịch vụ bảo vệ thực vật cũng là một trong những điểm thành công của HTX hiện nay. Để giúp người dân phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, HTX thành lập tổ dịch vụ thực vật do chính các thành viên HTX tham gia. HTX phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn cùng nhân dân thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường, như: Dùng phân, thuốc đúng loại, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách; để vỏ thuốc đúng nơi quy định… nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nông nghiệp.
Cùng với đó, HTX chú trọng xây dựng các điểm đầu tư kinh doanh, mở rộng các điểm bán hàng để thuận tiện cho việc cung ứng và thu mua nông sản cho người dân. Tại mỗi điểm bán hàng, HTX đều có nhân viên kỹ thuật hướng dẫn người dân quy trình sử dụng từng loại giống, thuốc, phân khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất.
Bà Cao Thị Hảo - người dân địa phương, cho biết trước đây bà hay mua giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật... trôi nổi ngoài thị trường với giá rẻ nhưng không bảo đảm chất lượng và năng suất cây trồng. Rút kinh nghiệm, giờ bà thường đến các cửa hàng của HTX Phước Đại để mua, trong đó có một số giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao còn được hỗ trợ giá, nên cũng giảm phần nào chi phí sản xuất.
Làm kinh tế theo chuỗi giá trị
Việc HTX kết nối người dân với các doanh nghiệp uy tín để bảo đảm đầu vào và đầu ra thông qua các hợp đồng kinh tế được hình thành không chỉ góp phần khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá” và tăng thu nhập cho người dân, mà còn giúp họ dần làm quen với cách làm kinh tế theo chuỗi giá trị.
Ngoài phát triển các dịch vụ nông nghiệp, HTX còn đầu tư cho mảng chăn nuôi lợn đen để nâng cao thu nhập cho thành viên. Đây cũng là một trong những vật nuôi đặc thù của huyện Bác Ái.
Trước đây, người dân thường nuôi lợn đen bằng cách thả rông và cho ăn ngô, mỳ, bo bo…, tuy thịt lợn săn chắc, thơm ngon nhưng lại xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Để giải quyết bất cập này, HTX đã thực hiện nuôi lợn theo mô hình tập trung, có sự liên kết theo chuỗi giá trị.
Tại tất cả khu vực chuồng trại đều dự trữ lượng vôi bột lớn để tẩy rửa, sát trùng. HTX cũng chú ý thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin, hóa chất phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã; chú ý đến vấn đề vệ sinh chuồng trại, thực hiện thu gom, ủ phân lợn để làm phân bón cho cây trồng.
Việc đẩy mạnh chăn nuôi tập trung đã giúp đàn lợn của HTX không bị nhiễm dịch bệnh mà vẫn bảo đảm được chất lượng thịt thơm ngon. Môi trường cũng không bị ô nhiễm bởi phân lợn thải rải rác khắp nơi như trước.
Song song đó, HTX còn hỗ trợ thành viên và người dân đầu ra, nên quy mô đàn lợn đã tăng theo thời gian. Nếu như trước, HTX chỉ có 1 trang trại, với 30 con lợn giống sinh sản, thì nay đã tăng lên 2 trang trại với hơn 200 con lợn, trong đó, gần 100 con lợn giống. HTX cũng hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi và đầu ra cho 10 thành viên và 15 hộ dân trong xã.
Sự năng động, nhạy bén trong kinh doanh đã đưa HTX ngày càng phát triển. Hoạt động của HTX đã thúc đẩy ngành trồng trọt và chăn nuôi tại địa phương phát triển lên tầm cao mới.
Ngọc Thọ