Thay vì ngồi chờ sự giúp đỡ của địa phương, các cơ quan nhà nước, HTX Tương Lai đã trực tiếp gặp doanh nghiệp để liên kết sản xuất theo hướng hiện đại. Những gì mà HTX đã và đang làm cũng giống như chính tên gọi của HTX.
Bảo vệ môi trường
Đối với mô hình nuôi cá hàng hóa, lượng thải nhiều hay ít phụ thuộc vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Thông thường, lượng thức ăn là 1,5 - 2 kg/kg sản phẩm.
Tuy nhiên, cá thường không tiêu thụ hết lượng thức ăn trên nên bị dư thừa và lắng xuống ao nuôi, tạo ra nguồn thải gây ô nhiễm môi trường và cũng là nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi phải thay nước, nạo vét bùn cặn, đây cũng là nguồn thải lớn gây ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý theo quy trình khoa học.
Tuy nhiên, tại HTX Tương Lai lại khác. Ngay từ khi thành lập, HTX xác định chỉ phát triển theo chuỗi bền vững mới giải quyết được tình trạng cá chết trắng không rõ lý do.
Với diện tích hàng chục nghìn mét vuông mặt nước nuôi cá giống và cá thương phẩm, để bảo vệ môi trường, HTX áp dụng các biện pháp hoàn thiện hệ thống ao nuôi đạt điều kiện vệ sinh trong nuôi trồng thủy sản; từng bước áp dụng mật độ thả giống nuôi 20 - 40 con/m2, bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ NN&PTNT.
HTX sử dụng các loại thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành theo quy định của Bộ NN&PTNT. Đặc biệt, HTX áp dụng các quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP.
Để ổn định đầu ra, HTX đầu tư hệ thống kho xưởng chế biến, đóng gói và lưu trữ sản phẩm theo mô hình khép kín. Ngoài bán cá tươi, HTX lắp đặt hệ thống phơi sấy cá tự động trong nhà kín. Hệ thống ba buồng phơi sấy liên hoàn tận dụng hiệu quả năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất với sản lượng 100 kg khô cá mỗi mẻ phơi sấy.
Khi đi vào hoạt động, hệ thống phơi sấy khô cá hoạt động hoàn toàn tự động với năng suất tăng 300% so với phơi nắng, giảm tiêu tốn điện năng khoảng 6 lần so với sử dụng các lò sấy truyền thống, giảm thời gian phơi sấy khoảng 3 lần so với phơi nắng. Chỉ cần một nhân công vận hành, hệ thống phơi sấy khô cá có thể vận hành hiệu quả.
Công đoạn chế biến khô cá của HTX |
Ứng dụng công nghệ
Khô cá thành phẩm của HTX đã được kiểm nghiệm và chứng nhận đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các tiêu chí về dinh dưỡng.
Hiện, mỗi năm HTX có sản lượng khoảng 400 tấn cá, mang về danh thu 3,5 tỷ đồng. Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm khô cá sặc rằn của HTX đã xuất khẩu ra nước ngoài.
Trước đây, hàng hóa bị thương lái ép giá thấp nhưng đến tay người tiêu dùng lại rất cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu của HTX.
Từ khi HTX tham gia các phiên chợ, sản phẩm dần được nhiều người biết đến và hiện đã có mặt ở khắp các siêu thị, cửa hàng. HTX còn lập hẳn website để giới thiệu và bán hàng, giá cả phải chăng nhằm tạo thuận lợi hơn cho HTX cũng như người mua.
Không chỉ chủ động tìm đầu ra, trong quá trình sản xuất, HTX đã liên kết với doanh nghiệp ứng dụng phần mềm đuổi cò để phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Tấn Đạt - Giám đốc HTX, cho biết trong quá trình nuôi cá, từ tháng 9 năm trước đến tháng 2, tháng 3 năm sau, HTX gặp rất nhiều khó khăn vì cò xuất hiện nhiều.
Có đàn hàng trăm con quậy phá ao, săn cá làm thức ăn, gây tổn thất lớn cho HTX. Cò về còn mang theo nguồn phân và vi khuẩn có hại, vừa phát tán dịch bệnh vừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, trong khi HTX phải thuê hàng chục lao động chỉ để đuổi cò nhưng không xuể.
Trước tình trạng trên, công nghệ đuổi cò bằng tần số đã được HTX đầu tư. Các con chíp phát sóng thích hợp qua hệ thống loa đặt quanh khu vực nuôi cá khiến cò sợ và tự “rút lui” khỏi khu vực ao nuôi.
Chủ động áp dụng công nghệ hiện đại vào phục vụ sản xuất thủy sản không chỉ giúp HTX thu được hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường sinh thái khi không tận diệt những đàn cò lên đến hàng trăm con.
Như Yến