Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, HTX ca cao Chợ Gạo đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất ca cao UTZ Certified (chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm sạch toàn cầu), góp phần đưa ca cao trở thành một trong những loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh.
Từ hiệu quả sản xuất
Trong quá trình sản xuất, HTX đã áp dụng bộ nguyên tắc sản xuất ca cao hữu cơ và UTZ Certified, đi sâu 72/174 tiêu chí bắt buộc thực hiện. HTX chú trọng đến chất lượng cây ca cao và bảo vệ môi trường, không dùng phân hóa học mà thay vào đó là dùng các loại phân hữu cơ, sử dụng kiến đỏ theo phương pháp sinh học để diệt côn trùng gây hại chứ không dùng thuốc bảo vệ thực vật có nồng độ chất hóa học cao.
Khi ca cao chín, HTX chọn hái từng quả chín chứ không hái đồng loạt, làm lẫn cả hạt già và hạt chưa chín sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng ca cao khi chế biến.
![]() |
Ca cao của HTX được đánh giá có chất lượng
Đến nay, HTX đã có 145ha ca cao được chứng nhận đạt tiêu chuẩn UTZ. Chứng nhận này minh chứng khi HTX sản xuất chuyên nghiệp hơn, quan tâm bảo vệ công đồng dân cư sinh sống trong khu vực cũng như môi trường, góp phần bảo vệ và phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn quốc tế giúp nâng cao giá trị quả ca cao và xuất khẩu loại trái cây này ra các thị trường khó tính trên thế giới, tăng thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, ca cao của HTX được đánh giá có chất lượng và mùi thơm rất đặc trưng, nên được các DN thu mua bao tiêu với giá tốt. Sản phẩm của HTX đã được công ty Cargill cam kết thu mua 100% với giá cao hơn giá ca cao thường 5%, giúp ổn định đầu ra.
Đến bảo vệ môi trường
Hiện nay, HTX đã được các doanh nghiệp hỗ trợ vốn để đầu tư các trang thiết bị phục vụ sản xuất, như áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hệ thống máy móc tách vỏ, bảo quản hạt ca cao nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ vỏ ca cao sau khi lấy hạt, các thành viên trong HTX đã tận dụng vỏ ca cao bỏ đi để sản xuất phân hữu cơ.
Theo Ban giám đốc HTX, trung bình 40 tấn quả ca cao sẽ cho 20 tấn vỏ. Nếu không tận dụng hợp lý, vỏ ca cao sẽ làm ô nhiễm môi trường, là điều kiện lý tưởng cho mối mọt sinh trưởng và phát triển.
Để hạn chế tình trạng trên, HTX đã áp dụng hình thức chôn lấp nhưng với lượng vỏ nhiều, diện tích chôn lấp hạn chế nên đây không phải là phương án tối ưu. HTX đã liên hệ với bộ nông nhiệp địa phương, được tham gia lớp tập huấn ủ phân hữu cơ bằng nấm trichoderma, thấy được hiệu quả tối ưu nên HTX đã áp dụng sản xuất phân hữu cơ bằng vỏ ca cao.
Vỏ ca cao sau khi tách lấy hạt để khoảng 15 ngày cho mềm, sau đó xay nhuyễn mới tiến hành ủ. HTX ủ phân theo tỷ lệ khoảng 5 tấn vỏ ca cao sử dụng kết hợp 5 kg nấm trichoderma, 6 kg humic, 2 tấn phân bò hoặc phân dê, 200 lit phân dơi và 300 kg vôi. Thời gian ủ kéo dài khoảng 6 tháng. Hầm ủ được xây bằng gạch tráng ximăng có bạc che kín.
Đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả, phân bón sản xuất ra không chỉ dùng làm phân bón cho ca cao giúp cây sinh trưởng tốt, mà còn góp phần giảm chi phí phân bón, đồng thời giải quyết được nỗi lo ô nhiễm môi trường từ lượng vỏ ca cao bỏ đi. Quy trình sản xuất phân hữu cơ từ vỏ ca cao trong HTX đã được nhân rộng cho các HTX sản xuất ca cao khác trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, từ quy trình này, một số nông dân không trồng ca cao cũng tận dụng nguồn phế phẩm khác trong nông nghiệp như vỏ sầu riêng, lá cây, xơ dừa để sản xuất phân hữu cơ sử dụng cho cây trồng, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải nông nghiệp.
Như Yến