Trước năm 2012, trong phát triển kinh tế rừng, keo lai là cây trồng duy nhất ở Bắc Sơn. Kỹ thuật canh tác lạc hậu và thiếu liên kết khiến các vùng sản xuất đạt hiệu quả rất thấp, các hoạt động khai thác, chăm bón tự phát khiến nguồn đất, nguồn nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng mất an toàn lao động (ATLĐ) ở mức báo động.
Năm 2012, HTX Bắc Sơn được thành lập, mở ra một cuộc “cách mạng” thay đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. 4ha trồng cây thiên ngân - một loại cây lấy gỗ làm nguyên liệu giấy, có giá trị kinh tế cao gấp 10 lần cây keo, được HTX hỗ trợ về giống, vốn và kỹ thuật để phát triển.
Để hỗ trợ người dân trồng thiên ngân thay thế diện tích trồng keo kém hiệu quả, HTX chủ động mời các chuyên gia về hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trang bị các kiến thức về sản xuất an toàn, qua đó nâng cao chất lượng gỗ, đảm bảo ATLĐ cho thành viên trong quá trình chăm sóc và thu hoạch.
Bên cạnh các loại cây lấy gỗ, phát triển vùng cây dược liệu cũng đang là một trong những hướng đi mới của HTX Bắc Sơn. Cuối năm 2016, HTX đã liên kết với các hộ dân trong xã trồng thí điểm 0,5ha cây thần diêu - một loại dược liệu quý đang được thị trường ưa chuộng.
Ông Nguyễn Ngọc Can, Giám đốc HTX Bắc Sơn chia sẻ: “Cả thiên ngân và thần diêu đều là những cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Bắc Sơn. Sau gần 2 năm thí điểm và cho hiệu quả cao, HTX đang đẩy mạnh nhân rộng mô hình”.
Mô hình sản xuất lúa thảo dược của HTX đang cho thu nhập trên 40 triệu đồng/ha/vụ |
Để đảm bảo hiệu quả, HTX sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ tham gia mô hình về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản, thu hoạch và liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo ATLĐ cũng sẽ được HTX quan tâm hơn. Các hộ trồng rừng của HTX sẽ phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao về sử dụng các loại máy móc như máy cắt cỏ, máy cưa gỗ, quá trình vận chuyển…
Với các hộ trồng dược liệu, quy trình sản xuất VietGAP sẽ được áp dụng, theo đó các công đoạn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Không chỉ phát triển kinh tế rừng, HTX cũng đang hỗ trợ triển khai trồng rau an toàn và chăn nuôi. HTX trực tiếp chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và các hộ dân liên kết trên địa bàn.
Nổi bật nhất có thể kể đến mô hình trồng lúa thảo dược của HTX. Hiện tại, HTX đang liên kết với người dân phát triển hơn 5ha trồng lúa thảo dược, với năng suất bình quân 72 - 73 tạ/ha. Sau hai vụ triển khai (từ năm 2016), mô hình đang cho hiệu quả cao, doanh thu bình quân đạt 40 triệu đồng/vụ, trong đó lúa giống có giá 100.000 đồng/kg, giá gạo đạt 80.000 đồng/kg, thân lá lúa được chế biến thành chè thảo dược có giá 100.000 đồng/kg…
“Để đảm bảo sản xuất an toàn, HTX luôn bám sát các mô hình, đồng ruộng, chuồng trại để có biện pháp ngăn ngừa, phòng - chống dịch bệnh kịp thời, giảm bớt công chăm sóc, giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thực hiện các biện pháp để nâng cao hiệu quả và đảm bảo ATLĐ trong quá trình sản xuất của người dân”, Giám đốc Nguyễn Ngọc Can cho hay.
Nhật Minh