Nghề trồng chè có ở xã Bắc Sơn từ thập niên 70 của thế kỷ XX. Với địa hình bán sơn địa, nhiều gò đồi, chất đất nơi đây rất thích hợp cho việc trồng chè. Hiện, toàn xã có gần 3.300 hộ dân thì có tới hơn 1.500 hộ tham gia trồng chè, với tổng diện tích gần 400 ha, trong đó có 350 ha chè đang cho thu hoạch.
Sản xuất an toàn
Trước những đòi hỏi của thị trường, năm 2012, HTX Bắc Sơn được thành lập, dẫn dắt người dân Bắc Sơn chuyển hướng từ canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo chuẩn VietGAP, đồng thời, thúc đẩy liên kết sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh KH-KT, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của chè Bắc Sơn.
Bà Đào Thị Quý - Giám đốc HTX, cho biết hàng năm, HTX phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội, công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư phát triển cây chè; tổ chức dạy nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, trang bị kiến thức về an toàn lao động (ATLĐ) cho thành viên HTX.
Ngoài ra, HTX còn tổ chức cung ứng giống, xây dựng nhãn hiệu “Chè sạch Bắc Sơn” và bao tiêu sản phẩm cho thành viên, hộ nông dân. Đến nay, HTX đã có 100 hộ tham gia liên kết, với tổng diện tích hơn 40 ha chè, trong đó, có 30 ha chè an toàn và 10 ha chè VietGAP.
Để bảo đảm sản xuất chè theo chuẩn VietGAP, thành viên HTX phải thực hiện theo những quy trình sản xuất an toàn, tuyệt đối không sử dụng phân hóa học mà chỉ được phép dùng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoai.
Các hộ trồng chè được tập huấn kỹ thuật để vận dụng phương thức sản xuất an toàn, dễ dàng nhận diện và xử lý đúng cách các loại sâu, bệnh.
Vùng chè VietGAP của HTX Bắc Sơn |
Nâng tầm thương hiệu
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại HTX được bảo đảm nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách).
Giám đốc Đào Thị Quý chia sẻ: “Sản xuất chè VietGAP đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, nhưng hiệu quả kinh tế tăng lên, vấn đề ATLĐ cũng được bảo đảm. Đơn cử, trước đây, giá chè dao động ở mức 70.000 - 80.000 đồng/ kg, nay lên đến 150.00 - 400.000 đồng/kg chè, cao gấp 3 - 4 lần so với cách làm truyền thống”.
Chất lượng được khẳng định, năm 2012, nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” đã được công nhận, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm chè Bắc Sơn trên thị trường. Sản phẩm chè Bắc Sơn đã có mặt tại nhiều hội chợ quy mô trên địa bàn Tp.Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước.
HTX cũng đang xúc tiến nhiều hoạt động thương mại, tìm kiếm các doanh nghiệp để ký hợp đồng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm chè của HTX cũng đang được đầu tư đóng gói, bảo quản tốt để vừa bảo đảm chất lượng, vừa quảng bá thương hiệu “Chè an toàn Bắc Sơn” đi xa hơn.
Đang có được những thành công lớn, tuy nhiên, HTX Bắc Sơn vẫn rất cần có sự giúp đỡ của các cấp, các ngành để xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từ đó, hiện thực hóa mục tiêu trở thành thương hiệu mạnh của huyện Sóc Sơn nói riêng và Tp.Hà Nội nói chung.
Hưng Nguyên