Trồng khoai tây mang lại giá trị kinh tế và môi trường |
Mô hình trồng khoai tây của HTX đã thu hút sự tham gia, hỗ trợ từ phía địa phương, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Đây là điều kiện để HTX nắm bắt thêm kỹ thuật sản xuất, ổn định đầu vào và đầu ra.
Từ hiệu quả kinh tế…
HTX Bình Dương sản xuất khoai tây trên diện tích 12ha, ở 3 thôn: Bắc Mã 1, Bắc Mã 2 và Đạo Dương. Trước đây, khoai tây được trồng theo quy mô nhỏ, người dân cũng chỉ dừng lại ở việc trồng và chăm sóc đơn giản vì nghĩ đây là cây cho năng suất thấp, chỉ trồng thêm vào vụ đông. Tuy nhiên, từ khi tham quan các mô hình sản xuất khoai tây năng suất cao do HTX tổ chức, đồng thời liên kết với địa phương đưa giống mới vào sản xuất, hiệu quả từ cây khoai tây được khẳng định.
Sản lượng khoai tây của HTX đạt 11-12 tấn/ha, trị giá đạt 70-75 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với diện tích khoai tây khác.
Không chỉ sử dụng giống, phân bảo đảm chất lượng, HTX còn sử dụng thuốc vi sinh chống bệnh nấm mốc và đầu tư máy móc vào quá trình làm đất, thu hoạch. Để tránh tình trạng ép giá và đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp thu mua, HTX cũng xây dựng một nhà kho lạnh với sức chứa 120-150m3.
Sau khi thu hoạch, HTX đứng ra thu mua sản phẩm của bà con để cung cấp cho doanh nghiệp với giá cả hợp lý. Nếu giá thị trường rẻ hơn nhiều, HTX sẽ đứng ra thu mua hết cho bà con, rồi tích trữ trong kho lạnh. Nhờ đó, giá trị của khoai tây vẫn được giữ nguyên, mà người trồng khoai không bị ép giá.
Trồng khoai tây sạch lại có HTX đứng ra thu mua nên các thành viên và bà con không lo đầu ra. Khoai tây được mùa, được giá đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân địa phương.
Đến giá trị môi trường
Với diện tích sản xuất không nhỏ, HTX đang là một đơn vị sản xuất khoai tây hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Nhờ tích cực tuyên truyền và tham gia các buổi tập huấn, HTX không chỉ áp dụng thành công các kỹ thuật chăm sóc cây khoai tây hàng hóa, mà còn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ kết hợp với rác hữu cơ…), sau đó ủ bằng chế phẩm sinh học làm phân hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng cho đất và cây trồng.
Ngoài sử dụng rơm, rạ làm phân hữu cơ, HTX nông nghiệp xã Bình Dương còn dùng rơm, rạ phủ luống cho toàn bộ diện tích khoai tây giúp giảm tác động của trời mưa khi mới trồng khoai. Cách này giúp đất, phân không bị rửa trôi, bảo đảm chất dinh dưỡng cho khoai sinh trưởng và phát triển.
Với những cách làm này, HTX cơ bản đủ nguồn phân bón cho diện tích khoai tây, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất, lại bảo đảm được kỹ thuật gieo trồng.
Quy trình biến rơm rạ thành phân hữu cơ không khó, ít tốn kém, lại cho hiệu quả cao. Theo Ban giám đốc HTX, do lượng rơm trên địa bàn khá lớn, trong khi nhu cầu phục vụ việc đun nấu, chăn nuôi giảm nhiều, nên ủ rơm rạ làm phân vi sinh phục vụ sản xuất được coi là phương pháp hiệu quả, góp phần giảm tình trạng đốt rơm rạ tràn lan sau thu hoạch dẫn đến ô nhiễm môi trường. Đến nay, 100% thành viên của HTX đều triển khai thực hiện phương pháp này.
Phân vi sinh làm từ rơm rạ giúp cây khoai tây phát triển tốt, ra rễ hình thành củ nhanh hơn, thân và lá to, khỏe. Đặc biệt, khoai có tỷ lệ đồng đều cao, đẹp, đáp ứng được yêu cầu thu mua của các doanh nghiệp chế biến.
Với quy trình sản xuất chặt chẽ, mô hình trồng khoai tây của HTX không chỉ mang lại những giá trị kinh tế, mà còn khẳng định được giá trị môi trường nhờ áp dụng thành công khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Những kết quả HTX đạt được là nền tảng vững chắc cho việc phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, góp phần tăng năng suất cây trồng và bảo vệ môi trường tại địa phương.
Huyền Trang