Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ xuyên suốt, bên cạnh huy động tối đa các nguồn lực của nhà nước và xã hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, Hà Giang còn quan tâm việc động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo phát huy nội lực, ý chí vươn lên; lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân làm mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thoát nghèo nhờ tham gia HTX
Một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả trong thu hút thành viên, tạo việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Giang là HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Sà Phìn A (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn), khi mới thành lập HTX chỉ có 20 thành viên, chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt, nhuộm vải lanh truyền thống. Sau 5 năm, HTX có bước phát triển nhanh chóng, hình thành chuỗi khép kín, tự cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho hàng chục thành viên ở xã Sà Phìn và nhiều xã trong huyện Đồng Văn.
Chị Sùng Thị Sy, Giám đốc HTX thông tin, HTX luôn có đơn đặt hàng ổn định từ các nước như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật Bản... Bên cạnh đó, các cửa hàng thời trang trong nước cũng đến đây nhập sản phẩm của HTX. Với công việc đều đặn, mỗi thành viên HTX có thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, nhiều hộ thành viên đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định.
HTX đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh, giải quyết việc làm, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả. |
Hay như mô hình tại HTX sản xuất chế biến chè Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì), tiền thân từ một tổ hợp tác nhỏ lẻ đã trở thành một HTX có quy mô lớn và đang sở hữu một trong những danh trà thứ thiệt của Hà Giang với thương hiệu Fìn Hò Trà.
Với sự trợ giúp về vốn, cơ chế chính sách thông thoáng của tỉnh Hà Giang cùng sự năng động dám nghĩ, dám làm của những người đứng đầu, HTX Phìn Hồ đã trụ vững và phát triển trở thành một trong những HTX tiêu biểu của Hà Giang về sản xuất, chế biến kinh doanh chè.
Bà Ðỗ Thị Viết, thành viên HTX cho hay: Nhờ chính sách đổi mới của Nhà nước trong phát triển kinh tế tập thể, HTX mà người dân là những thành viên có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều gia đình đã thoát được nghèo và nâng cao đời sống.
HTX tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn
Trước đây, bà con nông dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang chủ yếu chỉ quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu mạnh ai nấy làm, ít quan tâm đến khái niệm liên doanh, liên kết trong sản xuất để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa.
Với mục tiêu khai thác các nguồn lực và phát huy thế mạnh sẵn có của mỗi địa phương, huyện Bắc Mê đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện.
Cụ thể, HTX Nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn (xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc sản xuất, chế biến tinh bột và củ nghệ sấy khô, một trong những sản phẩm OCOP của huyện.
6 tháng đầu năm 2023, HTX Nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn đã sản xuất được trên 10 tấn tinh bột và củ nghệ sấy khô. Đồng thời, liên kết xuất bán cho nông hộ tại các xã Minh Ngọc, Yên Định, Minh Sơn, Yên Phong… Hiện nay, HTX vẫn luôn duy trì hoạt động và tạo việc làm thường xuyên cho 10 đến 20 lao động địa phương, với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Còn tại huyện Mèo Vạc, năm 2016, tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, anh Hoàng A Páo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc cho biết, HTX đã đầu tư vốn và giống phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với 3 nhóm ngành nghề chính: chế biến, chưng cất rượu gắn với chăn nuôi; nuôi ong, chế biến mật ong; thu mua nông sản, cung cấp dịch vụ vật tư nông nghiệp, con giống. Sau 7 năm, HTX đã đưa ra thị trường những sản phẩm sạch, có uy tín và chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao đời sống, thu nhập của thành viên, người lao động trong HTX.
Tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp phát triển HTX góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. |
Anh Hoàng A Páo thông tin, hiện nay, doanh thu của HTX đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên, 26 thành viên; đồng thời giải quyết cho trên 100 lao động mùa vụ, với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo của tỉnh Hà Giang
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có gần 900 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực: Nông lâm, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch, xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng. Trong đó, HTX nông lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất lên đến 57%. Cũng tại khu vực HTX này đã hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, xuất hiện hình thức liên kết, hợp tác đa dạng với nhiều mô hình KTTT hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển.
Bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, với quan điểm phát triển KTTT, HTX không chạy theo số lượng mà tập trung xây dựng HTX theo chiều sâu, tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ HTX phát triển bền vững, từng bước xây dựng các mô hình HTX điển hình có sự liên kết chặt chẽ với các hộ thành viên trong sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất theo chuỗi giá trị để nhân rộng.
Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên.
Phấn đấu 95% các hộ sinh sống ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin. 100% các huyện nghèo, xã thuộc huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT - XH liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa, kết nối thị trường và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tỉnh Hà Giang đang tập trung triển khai hiệu quả các dự án thành phần về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT - XH các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, việc làm bền vững”, bà Hà Thị Minh Hạnh cho hay.
Đoàn Huyền