Chất tẩy rửa ngày càng đa dạng, thuận tiện với nhiều mục đích khác nhau, từ giặt quần áo, rửa bát, lau nhà, thông bồn cầu đến các loại xà phòng tắm, sữa tắm…
Các loại chất tẩy rửa đều có mục đích tốt là giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe trước sự tấn công của các loại vi khuẩn. Nhưng, các sản phẩm này cũng chứa không ít các loại hóa chất độc hại, như: 2-butoxyethanol, Amoniac, Ethoxylates nonylphenol (NPEs), Phốt phát…
Sử dụng chất tẩy rửa hợp lý vừa tiết kiệm vừa bảo vệ sức khỏe người sử dụng
“Bức tử” môi trường nước
Thành phần chính của các chất tẩy rửa là chất hoạt động bề mặt, ngoài ra còn có các chất phụ gia, màu, hương liệu. Đối với sản phẩm có công dụng diệt khuẩn còn có thêm các hợp chất của clo, peoxit… tiền thân của hợp chất NDMA - một chất ô nhiễm có thể gây ung thư trong các nguồn nước.
Các nhà khoa học cho biết chất tẩy rửa có khả năng làm sạch các chất cáu bẩn bám vào đồ dùng, nhưng không thể diệt các chất này. Vì vậy, khi tẩy rửa xong, hỗn hợp chất tẩy rửa và chất bẩn sẽ theo dòng nước thải đổ vào các bể chứa, ao hồ, cống rãnh, sông, suối… gây ô nhiễm.
Đặc biệt, nếu như các chất cáu bẩn sau khi bị chất tẩy rửa tách ra khỏi các dụng cụ dễ dàng bị phân hủy bởi các vi khuẩn, vi sinh vật, thì các loại chất tẩy rửa lại rất khó bị phân hủy. Do đó, sau khi chất tẩy rửa thải xuống ao, hồ, sông, suối sẽ tồn tại trong nước một thời gian dài (theo nghiên cứu, trên một quãng đường di chuyển 200km, chỉ có 30% bị các vi khuẩn phân giải).
Hiện tượng mặt nước thường có nhiều bọt, đó là do chất benzen sun-pho-nat gốc ankin tạo nên. Theo sự đo đạc xác định khi nồng độ chất này có khoảng 0,5 miligam/lít nước sông sẽ nổi bọt. Lượng bọt lớn sẽ gây trở ngại cho tiếp xúc với không khí, làm cho khả năng tự làm sạch của nước giảm đi.
Chất tẩy rửa được thải xuống nước sẽ tiêu hao lượng dưỡng khí hòa tan trong nước, làm cho cá ngạt thở mà chết. Chất tẩy rửa còn gây độc đối với các sinh vật thủy sinh, dễ tạo nên các loại cá dị dạng. Ngoài ra, sunphát ở trong chất tẩy rửa chảy vào nước làm cho nước trở thành nhiều chất dinh dưỡng phá hoại môi trường sinh thái của nước.
Thận trọng khi sử dụng
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, các loại chất tẩy rửa còn trở thành mối họa với sức khỏe con người. Bác sĩ Hoàng Tùng Anh - chuyên gia y tế, cho biết: “Có khoảng 70.000 hóa chất được sử dụng trong việc vệ sinh trong gia đình. Nếu không được sử dụng hợp lý, các chất tẩy rửa có thể gây hại cho hệ tiêu hóa, có thể gây rối loạn tiêu hóa, dị ứng, ung thư da, rối loạn sinh dục, khuyết tật cho trẻ khi bà mẹ mang thai, hoại huyết hay các trường hợp ung thư”.
Chất tẩy rửa là hiểm họa đặc biệt với trẻ em. Theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn - Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Tp.HCM): “Mỗi năm viện tiếp nhận từ 15 - 20 ca uống nhầm hóa chất, phổ biến nhất có chất tẩy rửa”. Theo ghi nhận của Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca ngộ độc do uống nhầm chất tẩy rửa ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Minh chứng gần nhất là vụ 4 trẻ mầm non tại Hưng Yên phải nhập viện cấp cứu (ngày 23/7), vì ăn nhầm phải gói bột thông bồn cầu.
Không chỉ ở Việt Nam, tình trạng ngộ độc do chất tẩy rửa trên thế giới cũng có dấu hiệu gia tăng. Trung tâm Chống độc Mỹ thống kê trong 3 năm gần đây, số vụ ngộ độc ở trẻ dưới 6 tuổi do chất tẩy rửa lên tới hơn 20.000 vụ. “Đối với tôi, dường như các nguy cơ liên quan đến những sản phẩm như trên hiện vượt quá bất kỳ lợi ích nào mà chúng đem lại”, Gs.Allison Aiello - Trường Y tế công thuộc Đại học Michigan (Mỹ), nói.
Những “tác dụng phụ” của chất tẩy rửa đòi hỏi người dùng cần thận trọng hơn khi sử dụng, tránh gặp phải những tai nạn không đáng có. Việc sử dụng đúng cách không chỉ tiết kiệm mà còn góp phần bảo vệ môi trường và đặc biệt đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng và những người xung quanh.
Văn Hiến