Cuối năm 2013, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy về đích nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hậu Giang. HTX Thủy sản Đại Thắng đã đóng góp không nhỏ cho thành công trong việc hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới của xã Đại Thành.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Thủy sản Đại Thắng, cho biết: “Từ khi thành lập HTX nuôi cá tới giờ, các thành viên của HTX không còn ai là hộ nghèo. Ngoài ra, hàng năm cổ tức của HTX còn trích ra một phần để hỗ trợ, đóng góp các hoạt động xã hội, từ thiện như làm lộ nông thôn, phát quà cho hộ nghèo…”.
Đầu tàu kinh tế nông thôn
Mô hình HTX hiện trở thành đầu tàu kinh tế trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng khuyến khích sản xuất nhỏ lẻ trong gia đình để những lao động nông nhàn, lao động kém sức tham gia làm việc, trồng trọt, chăn nuôi một số loại cây, con phục vụ đời sống và có những đóng góp tích cực cho xã hội.
HTX Thanh Tú, ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy đã triển khai mô hình đan đát, dạy nghề thủ công và tạo việc làm cho nhiều chị em nhàn rỗi ở nông thôn. Nhờ học nghề đan đát lục bình mà thu nhập của người lao động trong những năm gần đây đã đạt 2-3 triệu đồng/tháng.
Chị Mai Thị Kim Loan, ở xã Vị Thắng, cho biết: “Nghề đan lục bình dễ kiếm, dễ làm. Dù tôi chỉ tận dụng thời gian rảnh rỗi để đan nhưng mỗi tháng có thu nhập 2,5-3 triệu đồng, mà mình lại không phải lo vốn liếng gì hết”.
Cũng nhờ có HTX mà xã Vị Thắng có làng nghề, cuộc sống gia đình của nhiều hộ ở nông thôn trở nên thoải mái vì có đồng ra đồng vào, góp phần rất lớn trong việc xóa nghèo cho những gia đình không có đất sản xuất.
Tỉnh Hậu Giang nhiều năm qua cũng đã thành lập được Liên hiệp HTX Nông nghiệp Châu Thành (gọi tắt là Liên hiệp). Qua 5 năm hoạt động, Liên hiệp đã thể hiện tốt vai trò liên kết, tạo mối quan hệ gắn bó, lớn mạnh cho hoạt động nông nghiệp ở địa phương.
Liên hiệp đã liên kết được 6 HTX lớn mạnh tại huyện Châu Thành là HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, HTX Khánh Hội, HTX Đông Thành, HTX Phú Thành, HTX Thành Lợi và HTX Phước Long.
Mô hình HTX hiện trở thành đầu tàu kinh tế trong xây dựng nông thôn mới |
Các HTX đã vận dụng sức mạnh nội lực để hỗ trợ nhau phát triển, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, nông sản Hậu Giang đã được bạn bè trong, ngoài tỉnh và cả nước ngoài biết đến.
Ngoài ra, các HTX còn kết nối được với doanh nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giúp nông dân sản xuất với giá rẻ. Mỗi năm, hàng trăm thành viên và nông dân trong và ngoài HTX được sử dụng hơn 200 tấn phân bón có chất lượng cho cây trồng. Liên hiệp còn tổ chức thu mua các mặt hàng nông sản cho bà con, tạo đầu ra với thu nhập ổn định.
Thực tế cho thấy, các HTX, liên hiệp HTX đã có nhiều cố gắng trong việc điều hành sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và nông dân, từ đó ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường.
Điều này được thể hiện thông qua các HTX đạt chứng nhận tiêu chuẩn xuất khẩu GlobalGAP như HTX Nông nghiệp Phước Trung, huyện Châu Thành A; HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, huyện Châu Thành; HTX Dưa hấu VietGAP, huyện Vị Thủy…
Các sản phẩm của HTX ngày càng khẳng định được vị thế của mình không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ngoài nước. Khi đó, các HTX, liên hiệp HTX ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ tạo ra những sản phẩm thân thiện, hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm góp phần thực hiện tiêu chí môi trường.
Các HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa mang lại hiệu quả về mặt xã hội. Khi HTX làm ăn tốt thì người dân cũng tăng thu nhập và đóng góp vào ngân sách địa phương.
Trúc Linh