Tp.Hải Phòng hiện có 9 bệnh viện tuyến thành phố, 14 bệnh viện đa khoa quận, huyện. Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, vừa qua, đoàn kiểm tra của Sở đã tiến hành kiểm tra 16 bệnh viện. Kết quả cho thấy có 10 đơn vị chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, 11/16 đơn vị chưa được cấp phép xả thải ra môi trường. 5/16 đơn vị chưa có sổ đăng ký nguồn chủ thải chất nguy hại...
![]() |
Phân loại chất thải lây nhiễm tại bệnh viện Hữu Nghị Việt - Tiệp (Hải Phòng)
Hàng loạt bệnh viện vi phạm
Tp.Hải Phòng đã áp dụng đồng thời hai mô hình xử lý chất thải rắn nguy hại cho các bệnh viện là: xử lý tại chỗ và xử lý tập trung. Mô hình xử lý chất thải y tế tại chỗ như bệnh viện Đa khoa Tiên Lãng, Đồ Sơn, Kiến Thụy... Tuy nhiên, mô hình xử lý tại chỗ cho hiệu quả không như mong muốn: tốn kém nhiên liệu, chi phí vận hành cao, lò đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cán bộ y tế tại bệnh viện và người bệnh.
Bên cạnh đó, khi lượng rác thải vào nhiều, sinh ra khói đen, mùi khó chịu, hiệu quả xử lý không cao, gây ảnh hưởng đến khu dân cư và môi trường không khí xung quanh.
Qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan quản lý đã phát hiện một số bệnh viện chưa làm tốt công tác quản lý chất thải y tế, còn có hiện tượng để chất thải y tế lọt ra bên ngoài.
Nhiều bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống xử lý nước thải đang được xây dựng, như bệnh viện Hồng Bàng, Dương Kinh, Đồ Sơn, An Dương, Tiên Lãng, Phụ sản, Thủy Nguyên, An Lão, Hải An.
Một số bệnh viện khác thì chưa thực hiện quan trắc môi trường theo quy định, cụ thể như bệnh viện Dương Kinh, An Dương, Kiến Thụy... Số khác lại không ký hợp đồng vận chuyển, xử lý đối với chất thải nguy hại, như bệnh viện: An Lão, Vĩnh Bảo, Kiến An…
Đồng thời, Hải Phòng còn có khoảng 1.000 phòng khám tư nhân, chất thải nguy hại từ các phòng khám này vẫn còn được thu gom, vận chuyển chung với chất thải thông thường tới các bãi rác địa phương để chôn lấp mà không có biện pháp tiêu hủy bảo đảm.
Thiếu kinh phí
Ông Lê Thanh Sơn - Trưởng phòng Hành chính bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, chia sẻ: “Tính trung bình, mỗi tháng bệnh viện mất khoảng hơn 300 triệu đồng (gần 4 tỷ đồng/năm) cho việc xử lý các loại rác này. Đơn vị đang phải thuê 33 công nhân làm vệ sinh dọn dẹp, thu gom và phân loại các loại chất thải mỗi ngày.
Toàn bộ kinh phí cho việc xử lý chất thải này, bệnh viện phải tự cân đối thu chi để bỏ ra. Đối với các thai nhi bị chết, bệnh viện có hợp đồng với công ty TNHH MTV phục vụ mai táng Hải Phòng tới thu gom và mang đi khâm niệm rồi hỏa táng...
Năm 1996, bệnh viện Phụ sản cùng với một số bệnh viện khác trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nhưng nhiều bệnh viện sau khi xây dựng xong không có tiền để mua hóa chất về xử lý, như bệnh viện Lao - Phổi Hải Phòng.
Còn bệnh viện Phụ sản cũng chật vật trong quá trình điều hành, vận hành hệ thống xử lý này, vì ngoài việc khó khăn trong kinh phí mua hóa chất, thì hệ thống liên tục bị hỏng hóc, xuống cấp mà không có tiền duy tu, sửa chữa. Sang năm 2011, hệ thống đã bị hỏng nặng. Từ đó đến nay, nhân viên bệnh viện phải thực hiện các thao tác xử lý nước thải thủ công (cho hóa chất vào bể thu gom nước thải, lấy sào lớn khuấy đều lên, để lắng đọng rồi xả thải…).
Ông Đoàn Văn Hiển - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp, cho biết: “Hiện nay, bệnh viện có hợp đồng với 3 đơn vị để thu gom, xử lý các loại rác thải. Một phần rác thải nguy hại, gồm các sinh bệnh phẩm và rác thải sinh hoạt thông thường, do công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng thu gom. Các đèn tuýp, dẻ dính dầu do công ty Môi trường An Sinh thực hiện thu gom. Còn chất thải tái chế được công ty Bình Thủy thu gom. Toàn bộ kinh phí cho việc xử lý chất thải do bệnh viện tự bỏ ra. Hiện, trạm xử lý nước thải tại bệnh viện có từ năm 2007, đang xuống cấp, nhưng chưa có tiền để cải tạo, đầu tư thiết bị mới.
Để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý chất thải y tế trong các bệnh viện, nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường quản lý chất thải y tế trong bệnh viện, với nhiều chính sách hỗ trợ các bệnh viện trong việc xử lý rác thải y tế.
Cụ thể Hải Phòng có 7 bệnh viện được phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. 7 bệnh viện này đã và đang được xây dựng các hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên hầu hết các bệnh viện tuyến quận, huyện lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm tiền để mua hóa chất xử lý nước thải, như bệnh viện đa khoa huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo…
Thanh Vân