Rõ ràng, hoạt động của lò vôi thủ công tuy có tạo việc làm cho một số người dân quanh vùng, nhưng lại kéo theo vô vàn hệ lụy.
Cả làng ăn ở cùng khói, bụi
Xóm Ao La (thôn Lê Lợi, xã Minh Tân) có khoảng 30 lò vôi thủ công, chủ yếu là người địa phương đấu thầu đất rồi mở lò. Tại thôn Quyết Tiến (thị trấn Minh Đức) cũng có hơn chục lò vôi khác mới được đầu tư cải tạo mở rộng và xây mới, ngày đêm nhả khói bụi vào môi trường.
Tại thôn Doãn Lại (xã Lại Xuân), các lò vôi xếp xen kẽ với khu dân cư vẫn điềm nhiên hoạt động không ngừng nghỉ… Tất cả đều là lò thủ công, công nghệ lạc hậu, không an toàn. Suốt ngày đêm, các lò vôi đốt lửa, xả khói mù mịt. Bụi từ vôi, xỉ chuẩn bị ra lò, quyện với khí lò bao trùm toàn bộ khu dân cư, nhà cửa, cây cối ven đường phủ toàn bụi trắng của vôi, không khí đặc quánh, ngột ngạt.
Những con đường ven làng (nơi xe chở vôi, vật liệu qua lại) có thể lấy tay bốc lên thành từng nắm bụi vôi trắng. Chỉ cần đi một vòng quanh làng, thì quần áo đã nhuộm màu trắng đục. Môi trường sống ô nhiễm dẫn tới sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng theo, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ thường xuyên mắc bệnh về đường hô hấp. Những thửa ruộng quanh khu vực lò vôi nhiều năm nay cũng thất thu, khiến nông dân chán nản, mệt mỏi.
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, để có được 6 tấn vôi cho mỗi mẻ lò, thường phải dùng hết 7m3 đá, 3 tấn than, 3 xe công nông than bùn, 5 tạ củi. Mỗi lò phải đốt lửa liên tục 10 - 15 ngày đêm, vì thế khói, bụi tỏa ra, mọi người lại hít vào là chuyện… quanh năm suốt tháng. Bên cạnh đó, việc khai thác đá vôi trái phép làm ảnh hưởng tới việc quản lý tài nguyên khoáng sản. Chủ lò vôi bán sản phẩm của mình cho các đơn vị thu mua không có hợp đồng, không thực hiện việc kê khai thuế, dẫn đến thất thu tiền thuế của địa phương hàng năm…
Không chịu được cảnh khói bụi ô nhiễm, nhiều người dân đã nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị lên các cơ quan chức năng. Nhưng việc xử lý, giải quyết chỉ như… “ném đá ao bèo”. Chính quyền xã thường xử phạt hành chính về xây dựng trái phép, còn việc xử lý ô nhiễm lại phụ thuộc nhiều vào các cơ quan cấp trên, vì xã không có máy móc, thiết bị không đo đạc, quan trắc.
Còn chính quyền cấp cao hơn thì vẫn tồn tại tư tưởng: Việc lò hoạt động gây ra khói bụi là điều khó tránh, nhưng xây dựng mỗi lò cũng hết khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn chục lao động (không có hợp động, không có BHXH...) nên để hoạt động một thời gian để thu hồi lại vốn?
![]() |
Khu lò vôi tại Doãn Lại - Lại Xuân - Thủy Nguyên
Bao giờ chỉ thị về làng?
Theo quy hoạch phát triển ngành vôi, dự kiến đến năm 2020 xóa bỏ 100% lò vôi thủ công gián đoạn và đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lò thủ công liên hoàn. Theo Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản, tiến tới xóa bỏ các cở sở sản xuất vôi tự phát, thủ công thiếu quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 11/10/2013, Bộ Xây dựng cũng có Công văn số 2135/BXD-VLXD, về việc tạm dừng cấp phép đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất vôi. Tuy nhiên, những lò vôi thủ công ở huyện Thủy Nguyên vẫn hoạt động. Chủ lò vôi vẫn tiến hành sửa chữa, xây dựng mới. Và, hậu quả của những lò vôi thủ công này là mới đây đã có 3 người tử vong do sập tường lò vôi tại thôn 10 xã Lại Xuân. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, ông Hoàng Minh Luân, Chủ tịch UBND xã Lại Xuân, cho biết: Lò vôi đã hoạt động từ lâu, đang trong giai đoạn sửa chữa. Chủ tịch xã cũng không rõ lò vôi có giấy phép xây dựng không?!
Ô nhiễm môi trường từ các lò vôi đã ở mức “báo động đỏ”, lò vôi thủ công xập xệ, tự ý cơi nới, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Thuỷ Nguyên và Tp.Hải Phòng khẩn trương kiểm tra, đình chỉ ngay hoạt động của những lò vôi thủ công mới xây dựng, cơi nới; yêu cầu chủ lò vôi có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, từng bước xóa bỏ các lò vôi thủ công trên địa bàn.
Thanh Vân