Ô nhiễm nguồn nước tại Hải Phòng đang ở mức báo động là do các đơn vị lén lút xả thải trực tiếp, hoặc xử lý nước thải chưa đạt tiêu chuẩn đã xả ra môi trường. Thêm vào đó, là nước thải sinh hoạt của cả thành phố... khiến các dòng sông, các hồ chứa, kênh mương ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
Ô nhiễm vượt tiêu chuẩn
Theo thống kê, trên địa bàn TP hiện có 14.000 cơ sở sản xuất công nghiệp. Song ý thức chấp hành các quy định nộp phí BVMT đối với nước thải còn hạn chế. Tỷ lệ DN kê khai nộp phí rất khiêm tốn. Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm chỉ có khoảng 500 - 600 DN kê khai nộp phí (năm 2014 là 600 DN), những đơn vị còn lại thường lén lút xả thải trực tiếp ra sông, kênh mương. Có DN dù được thông báo nộp phí nhưng không tuân thủ việc nộp phí hoặc chậm nộp phí. Năm 2014, chỉ có 86% số DN có thông báo nộp phí của cơ quan chức năng tuân thủ việc nộp phí.
Do nguồn nước bị ô nhiễm, nên các nhà máy nước mini tại các huyện, rồi ngay cả các DN lớn như Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng cũng gặp không ít khó khăn trong việc đầu tư dây chuyền kỹ thuật xử lý nước sạch bảo đảm để cung cấp tới người dân.
Ông Lê Quang Tựu - Đại diện Công ty CP Nước sạch Tân Sơn - huyện Tiên Lãng, cho biết: "Công ty có một số nhà máy nước mini trên địa bàn huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo (lấy nước từ sông Chanh Dương). Nhưng do nguồn nước mặt ở đây bị ô nhiễm, đặc biệt là vào các tháng 4, 5 khi mưa nhiều, nước sông vàng khè, độ phèn cao... nên công ty mất thêm rất nhiều chi phí để xử lý nước bảo đảm trước khi cung cấp cho bà con.
![]() |
Công nhân công ty thoát nước vớt rác trên hồ An Biên
Hay đối diện với nhà máy nước mini của công ty thuộc địa bàn xã Liên Am - huyện Vĩnh Bảo, có một số hộ kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm. Nước thải từ các hoạt động đó xả thải trực tiếp xuống sông, công ty lại mất thêm tiền xử lý. Kéo theo đó là hoạt động kinh doanh của công ty cũng gặp thêm nhiều khó khăn hơn".
Kết quả phân tích từ Trung tâm quan trắc môi trường - Sở TN&MT Hải Phòng tại các hồ điều hòa, thông số về Coliform (vi khuẩn gây tiêu chảy sinh ra từ phân động vật, các bể tự hoại chảy vào sông hồ) tại hồ An Biên vượt tiêu chuẩn cho phép 17 lần; tại hồ Sen vượt 22 lần; hồ Dư Hàng vượt 90 lần; tại kênh Đông Bắc khu vực Máy Đèn vượt 160 lần và tại kênh An Kim Hải khu vực cửa xả Hạ Đoạn vượt… 500 lần.
Thông số về chất khí độc (amoni), tại hồ An Biên vượt hơn 4 lần; hồ Tiên Nga vượt 5 lần; Hồ Sen vượt hơn 8 lần, kênh Tây Nam đoạn cửa xả Vĩnh Niệm vượt hơn 22 lần… Bên cạnh đó, nhu cầu oxy sinh học, hóa học tại các kênh, hồ, cửa xả được quan trắc cũng đều vượt tiêu chuẩn cho phép đến vài chục lần.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, cho biết: Hải Phòng hiện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải, nước mưa và Hải Phòng: Báo động "đỏ" ô nhiễm nguồn nước
nước thải chảy cùng một đường ống. Khi có mưa phải mở đường ống cho nước mưa chảy vào hồ điều hòa và quá trình đó mang theo cả nước thải, bùn thải vào hồ điều hòa. Lớp bùn tích tụ tại hồ lâu ngày khi gặp nắng, nóng sẽ tạo kiềm, tảo chết tạo mùi hôi, thối.
Đồng thời, ô nhiễm các hồ điều hòa nói trên, phải kế đến một tác nhân là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một số hộ dân còn hạn chế. Không chỉ rác thải sinh hoạt mà kể cả xác động vật chết, rồi vôi thầu gạch vữa, giường đệm hỏng…, các hộ dân đều quẳng xuống bờ hồ, lòng hồ…
Giải quyết triệt để
Góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm tại các hồ điều hòa, Công ty TNHH MTV Thoát nước đã áp dụng thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế mức độ ô nhiễm như: thau rửa thường xuyên; luôn có công nhân thường trực mở cống sẵn sàng cho việc trao đổi, thoát nước khi trời mưa; sử dụng phương pháp vi sinh; phương pháp làm tăng mặt tiếp xúc mặt hồ với không khí; phương pháp sục ô xi;…
Tuy nhiên, đó mới chỉ là các biện pháp ngắn hạn, để hạn nạo vét bùn hay các biện pháp dài hạn khác thì kinh phí rất tốn kém mà kinh phí của TP cấp cho việc nạo vét mỗi năm chỉ 1 - 2 tỷ, thật sự là không "thấm" gì. Khoản thu từ phí thoát nước hàng năm chỉ đủ chi cho các hoạt động như vận hành các trạm bơm, nạo vét đường cống, hố ga, cửa xả, cải tạo đường cống thoát nước, sửa chữa cống sập…
Đến năm 2017, Dự án Nước thải và Chất thải rắn tại Vĩnh Niệm - Lê Chân sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Dự án sẽ là giải pháp căn bản giải quyết được việc tách biệt giữa nước mưa và nước thải, đồng thời thu gom, xử lý một phần lớn nước thải thuộc khu vực nội đô, hạn chế nước thải chảy vào các hồ điều hòa.
Đề án quy hoạch tài nguyên nước Tp.Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã chỉ rõ: Đến năm 2020, tối thiểu 85% lượng nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi đổ vào nguồn nước, dòng chảy môi trường được duy trì để bảo vệ các hệ sinh thái thuỷ sinh... Thường xuyên nạo vét hệ thống kênh mương, hồ chứa trên địa bàn TP nhằm nâng cao khả năng dẫn nước và chứa nước.
TP chỉ đạo phối hợp cùng với các ban ngành liên quan chủ động xây dựng cơ chế, quy chế, chính sách cụ thể về phối hợp quản lý nguồn nước liên tỉnh, liên vùng giữa Tp.Hải Phòng với các tỉnh lân cận trên cùng lưu vực sông nhằm bảo đảm yêu cầu kiểm soát tổng thể, toàn diện về tổng lưu lượng và chất lượng nước trên các sông trước khi chảy vào địa phận TP.
Đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá các nguồn thải, trong đó tập trung vào nguồn thải ra các sông Rế, Giá, Đa Độ... tiến hành xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm. Đặc biệt, TP sẽ sử dụng Quỹ BVMT để cho các đối tượng xả thải vay đầu tư các công trình xử lý nước thải vào nguồn nước.
Thanh Vân