Người dân xã Liên Phú chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, trong đó tập trung sản xuất 2 vụ lúa/năm. Từ đây, một lượng lớn rơm, rạ được thải ra môi trường sau khi thu hoạch.
Lợi ích "kép" từ trồng nấm hữu cơ
Khi người dân thực hiện biện pháp cày vùi rơm, rạ xuống ruộng để làm phân hữu cơ cần có thời gian ít nhất khoảng 30 - 45 ngày thì rơm mới phân hủy, nếu không sẽ gây ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho cây lúa lúc đầu vụ. Đó là chưa kể vào mùa đông, ruộng cạn nước thì rơm rạ lâu phân hủy nên không thể áp dụng biện pháp này. Vì vậy, giải pháp mà nông dân lựa chọn thường là đốt bỏ ngay trên đồng ruộng.
Tuy nhiên, khi đốt rơm rạ gây ra khói bụi mù mịt, không chỉ tác động xấu đến chất lượng tài nguyên đất và nước, mà còn gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, trong quá trình chế biến lúa gạo, một lượng lớn phế phẩm là trấu cũng được thải ra môi trường gây lãng phí.
Nhận thấy tiềm năng lớn từ các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, HTX Bình Phú đã quyết định tận dụng để phát triển nghề trồng nấm hữu cơ.
Khu vực hấp bịch phôi giống của HTX Bình Phú |
7 hộ thành viên đã mạnh dạn đầu tư nhà nuôi phôi, lò hấp, khu đóng gói, nhà giàn... để làm phôi giống. Phương châm hoạt động của HTX là lấy chất lượng làm hàng đầu, không chạy theo lợi nhuận, nhất là phải bảo đảm an toàn thực phẩm. HTX chủ yếu sử dụng trấu, rơm, mùn cưa trộn với cám gạo làm phôi giống. Các thành viên tuyệt đối không sử dụng phân, thuốc hóa học, đồng thời diệt các loại côn trùng, sâu bọ hại nấm chủ yếu bằng các loại tinh dầu.
HTX trồng đa dạng từ nấm sò, nấm rơm đến nấm mỡ, linh chi… Nhờ làm ăn uy tín và chất lượng, mô hình sản xuất của HTX đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. HTX cũng chú trọng gắn tem mác trên bao bì và đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), nên đầu ra tương đối thuận lợi.
Sản phẩm được xuất chủ yếu vào các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn và được một số doanh nghiệp đăng ký thu mua với số lượng nhất định.
Trung bình mỗi ngày, HTX sản xuất 1,1 tạ nấm các loại, sau trừ chi phí còn lãi khoảng 2,2 triệu đồng. Những thành công này khiến cho các thành viên hết sức phấn khởi và tin tưởng vào mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Việc phát triển trồng nấm hữu cơ không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập cho thành viên và nông dân mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là giải quyết tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi mùa vụ thu hoạch.
Ông Đặng Văn Bình, Giám đốc HTX Bình Phú, cho biết: “Nguồn rơm rạ trước kia bà con vẫn đốt bỏ đi rất lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, sau khi được tuyên truyền thì bà con giữ lại để HTX sản xuất nấm, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập, vừa cung cấp thực phẩm sạch đến người tiêu dùng”.
Sản xuất tuần hoàn
Không chỉ tập trung trồng nấm, HTX còn liên kết với một số doanh nghiệp ngoài tỉnh phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm. Thông qua mối liên kết này, các thành viên, người dân được cung cấp giống, phân bón, được cam kết bao tiêu sản phẩm kén đầu ra.
Đến nay, HTX liên kết cùng 84 hộ dân phát triển 20ha dâu phục vụ nuôi tằm lấy kén. Hiện, sản phẩm làm ra được bao tiêu với giá khoảng 80.000 đồng/kg và sẽ điều chỉnh phù hợp và bảo đảm có lãi cho người dân. Chính vì vậy mà thu nhập của thành viên và bà con nông dân được nâng lên.
Đầu năm 2019, kinh nghiệm chưa nhiều, tuổi lại cao, song với sự hướng dẫn kỹ thuật của HTX Bình Phú, bà Lềnh Thị Mản đã trồng 6 sào dâu lấy lá nuôi tằm. Qua một năm, bà nhận thấy việc trồng dâu, nuôi tằm, bán kén đã mang lại thu nhập cao hơn một số loại cây trồng truyền thống khác nên đã tiếp tục duy trì công việc để cải thiện điều kiện kinh tế gia đình.
Nghề trồng dâu nuôi tằm đã được thực hiện theo chuỗi nhờ có HTX (Ảnh:TL) |
Là cầu nối liên kết người dân với doanh nghiệp, đến nay, HTX Bình Phú đã giúp nhiều hộ dân tin tưởng gắn bó với cây dâu tằm. Nhiều người sẵn sàng từ bỏ diện tích cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng dâu sau khi nhận thấy giá trị kinh tế của cây trồng này.
Đặc biệt, tằm vốn là loài ưa ăn sạch nên quá trình trồng dâu, người dân phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc không sử dụng thuốc bảo vệ và phân bón hóa học. Vì nếu tằm ăn phải lá dâu bẩn, nhiễm phân thuốc sẽ chết ngay lập tức. Khu vực nuôi tằm cũng được đầu tư riêng biệt, tránh những nơi chăn nuôi hay trồng trọt để hạn chế nguồn ô nhiễm.
Ngoài sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ của doanh nghiệp cung cấp, HTX Bình Phú còn tận dụng chất thải từ chăn nuôi và những bịch nấm sau khi thải loại ủ làm phân bón cho cây dâu. Phân tằm được tận dụng làm thức ăn cho cá. Những con ngài được sử dụng làm thức ăn cho gà…
Cách làm này không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn tạo thành mô hình sản xuất tuần hoàn, hạn chế đến mức thấp nhất nguồn chất thải trong quá trình sản xuất, từ đó bảo đảm được chất lượng môi trường.
Mô hình sản xuất của HTX được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Trong đó có việc giúp xã Liêm Phú thực hiện hiệu quả tiêu chí bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Như Yến