Từ việc được trồng xen canh với cây lúa vào dịp lũ về, đến nay, ấu đã trở thành cây trồng thâm canh mang tới hiệu quả kinh tế ổn định cho các thành viên Tổ hợp tác (THT) và giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn. Hiện, mô hình trồng ấu của THT còn góp phần tích cực vào việc thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay ở địa phương.
Trồng ấu an toàn
THT Trồng ấu ấp Hưng Lợi Tây thành lập vào tháng 5/2017 và có 23 thành viên, sản xuất trên diện tích 40 ha đất trũng. Sản xuất theo chuẩn an toàn nên suốt quá trình sản xuất của THT đều có sự giám sát chặt chẽ bởi Phòng NN&PTNT huyện từ ngày đầu làm đất đến thu hoạch.
Vùng đất THT sản xuất vốn là vùng đất trũng, chỉ cấy được một vụ lúa/năm. Tuy nhiên, cây ấu lại là cây phù hợp với vùng trũng, kể cả khi có lũ lên cao thì vẫn cho thu hoạch, vì ấu là cây thủy sinh.
Sau vụ thu hoạch lúa, HTX dùng máy xới trục đất rồi bơm, tháo nước vào ruộng để ươm cấy ấu giống. Lúc đầu, khi mới cấy ấu cần giữ mặt nước cao 2 - 3 tấc cho ấu mau bén đất. Khi ấu vừa lớn, nước lũ tràn về mực nước cao bao nhiêu, dây ấu phát triển lên cao bấy nhiêu. Thông thường, từ lúc cấy ấu giống đến khi thu hoạch củ là 2 tháng. Vào mùa thu hoạch, cứ 7 - 10 ngày, THT thu hoạch 1 lần cho đến khi nước lũ rút...
Ấu được đánh giá là cây tương đối dễ trồng. Tuy nhiên, áp dụng theo quy trình sản xuất an toàn, các thành viên phải tuân thủ những quy tắc nhất định để bảo đảm chất lượng. Trước đây, khi vào vụ thu hoạch, mỗi đợt thu ấu xong, ngày sau, người trồng ấu phải phun thuốc trừ sâu và thuốc dưỡng lá cho dây để ấu mau lớn thì nay đã được loại bỏ, thay vào đó là những biện pháp cải tạo đất kết hợp với phòng bệnh được các thành viên áp dụng.
Thay vì trồng ấu quanh năm làm đất bị thoái hóa, mắc bệnh nhiều, THT kết hợp trồng 1 vụ lúa để cải tạo đất. Sau khu thu hoạch lúa, THT tiến hành chặn nước ngâm bùn cùng rạ lúa khoảng 1 tuần để tạo chất mùn và làm cho bùn ruộng mềm ấu sẽ nhanh bén rễ và sinh trưởng tốt.
Bên cạnh trồng ấu, THT còn kết hợp nuôi cá (cá lóc, cá rô đồng, cá chép...) để tăng hiệu quả kinh tế. Phân cá sẽ được ấu hấp thụ nên giảm được lượng phân bón. Mặt khác, cá sục bùn tìm mồi ở đáy ruộng sẽ diệt cỏ dại, côn trùng, sâu bệnh hại ấu. Rễ ấu cũng hấp thụ phân cá và vi sinh vật giúp nguồn nước sạch hơn.
![]() |
Thành viên THT thu hoạch ấu |
Giá trị bền vững
Nhờ áp dụng phương pháp sản xuất an toàn, chất lượng củ ấu và cá của HTX sau thu hoạch đều bảo đảm vệ sinh. Môi trường đất, nước cũng được cải thiện đáng kể. “Hồi xưa mình trồng đại trà, người nông dân muốn làm gì thì làm. Bây giờ theo ngành nông nghiệp hướng dẫn trồng theo hướng an toàn thì an tâm hơn, có kỹ sư khoa học hướng dẫn cho cách làm đúng, để củ ấu sạch, chất lượng cao hơn”, anh Nguyễn Phước Lợi - Tổ trưởng THT, cho biết.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây, người thu hoạch ấu phải lội xuống bùn, ngâm mình để thu hoạch ấu, thì nay nhờ nắm bắt đúng thời gian phát triển và lên kế hoạch thu hoạch chu đáo nên các thành viên hoàn toàn chủ động thu hoạch ấu bằng thuyền mà không sợ ấu già rụng xuống dưới bùn. Cách làm này không chỉ nâng cao năng suất, giảm tổn thất mùa vụ mà còn bảo đảm sức khỏe người sản xuất.
Bình quân 1 vụ, THT có thể thể đạt 6 - 9 triệu đồng/công. Mức thu nhập này cao hơn khoảng 3 lần so với trồng lúa, trong khi đầu ra thuận lợi hơn vì THT đã được các ban ngành hỗ trợ về đầu ra.
Ngoài tạo việc làm và thu nhập cho các thành viên, hoạt động sản xuất của THT hình thành và nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương với nghề nấu ấu, cung cấp trực tiếp cho khách vãng lai hoặc đóng túi xuất ra thị trường.
Theo các thành viên THT, ấu là đặc sản của địa phương, nhưng nhiều người chưa biết đến sản phẩm này. Hiện nay, việc THT bán ấu tươi và ấu luộc chỉ thỏa mãn được một phần nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì vậy, THT đang xin ý kiến các ban ngành để thực hiện xây dựng, đầu tư xưởng sản xuất và chế biến ấu, như: ấu tươi bóc vỏ, ấu sấy… bảo đảm các quy trình an toàn nhằm gia tăng giá trị sản xuất, đa dạng sản phẩm.
Như Yến