Tính đến tháng 6/2025, trên địa bàn huyện Nam Giang có 200 mô hình nông dân làm kinh tế trang trại kết hợp nông - lâm nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi.
Hình thành mô hình liên kết chuỗi
Từ những mô hình này mà tư duy sản xuất nông lâm nghiệp của người dân địa phương có sự thay đổi rõ rệt, qua đó mang lại thu nhập ổn định, có những nông dân đạt được nguồn thu vài trăm triệu đồng/năm.
![]() |
Với tư duy sản xuất hàng hóa đã giúp cho các đặc sản của Nam Giang được nhiều người tiêu dùng đón nhận. |
Chính điều đó giúp cho tỷ lệ hộ nghèo của huyện Nam Giang đã giảm đáng kể, từ 50,4% năm 2021, đến cuối năm 2024, giảm còn 25,76%. Và hy vọng là số hộ nghèo sẽ tiếp tục được kéo giảm mạnh mẽ trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Để góp phần đổi mới tư duy sản xuất nông lâm nghiệp nhằm cải thiện sinh kế cho người dân, những năm qua, huyện Nam Giang đã hỗ trợ khoảng 100 vườn để cải tạo, phát triển thành các vườn có giá trị kinh tế, đạt tiêu chí kinh tế vườn.
Hơn thế nữa, huyện Nam Giang còn hình thành 25 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhiều hộ dân nhanh chóng tham gia, tiếp cận các mô hình sinh kế hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập.
Việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo con đường liên kết chuỗi giá trị cho đồng bào vùng sâu vùng xa ở tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Nam Giang nói riêng cũng là mục tiêu nhắm đến của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam.
Chính vì vậy, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã có những hoạt động hỗ trợ các HTX ở Nam Giang trong việc thay đổi tư duy sản xuất cho các thành viên, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững. Nhất là thúc đẩy các HTX thành viên áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, và tăng cường liên kết, hợp tác.
Chẳng hạn như việc nâng cao chất lượng sản phẩm, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam hỗ trợ các HTX đáp ứng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng cho các sản phẩm. Đặc biệt là hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, từ đó nâng cao giá trị và khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Nói về mô hình liên kết chuỗi giúp thay đổi tư duy sản xuất cho người dân huyện Nam Giang phải kể đến HTX Nông lâm nghiệp A Liêng tại xã Tà Bhing với mô hình nuôi heo đen (heo cỏ) theo phương thức liên kết chuỗi giá trị.
Có HTX “dẫn đường” giúp thay đổi tư duy
HTX Nông lâm nghiệp A Liêng đã xây dựng chuỗi giá trị khép kín, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm heo đen. Vốn đầu tư ban đầu bao gồm mua con giống, xây dựng chuồng trại, và mua thức ăn. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương mà còn góp phần bảo tồn giống heo địa phương và phát triển nông nghiệp bền vững tại huyện Nam Giang.
![]() |
Các phụ nữ dân tộc thiểu số ở Nam Giang đang dần thay đổi nếp nghĩ cách làm để đưa sản vật của địa phương vươn xa. |
Từ cách làm hiệu quả mà HTX Nông lâm nghiệp A Liêng được xem là điểm sáng trong hoạt động chăn nuôi heo cỏ địa phương tổ chức theo nhóm hộ. Ông Zơrâm Đa, Trưởng thôn A Liêng, cho biết lúc đầu triển khai mô hình, trong số 15 thành viên đăng ký tham gia liên kết, hầu hết thuộc nhóm hộ nghèo và cận nghèo, vốn quen với lối chăn nuôi truyền thống.
Theo ông Zơrâm Đa, nhờ có sự hỗ trợ mà HTX tập trung đầu tư con giống, thức ăn và tập huấn kỹ thuật cho các hộ thành viên, từ đó giúp thay đổi tư duy trong chăn nuôi. Đồng thời tranh thủ nguồn hỗ trợ để xây dựng chuồng trại, hạ tầng giao thông, cũng như đầu tư các trang thiết bị khác theo quy trình chăn nuôi khép kín.
Như chia sẻ của vị trưởng thôn A Liêng, qua thời gian triển khai, mô hình cho thấy hiệu quả rất khả quan khi đàn heo phát triển tốt, heo giống và heo thịt xuất bán đều đặn ra thị trường với giá 150 nghìn đồng/kg. Qua đó giúp tăng cho các hộ dân liên kết cùng HTX.
Hoặc có thể kể thêm đến một điểm sáng về liên kết chuỗi giá trị, giúp người dân Nam Giang thay đổi tư duy sản xuất, đó là HTX Nông nghiệp La Dêê ở thôn Đắc Ốc, xã La Dêê. Sau gần 3 năm hoạt động, HTX có gần 20 thành viên, với nông sản chủ lực là măng nứa khô đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Theo ông Brao Sang, một thành viên của HTX, lợi thế của địa phương là có rất nhiều sản vật, đặc biệt là nông sản đặc trưng của miền núi. Tuy nhiên, để chọn ra sản phẩm đạt chất lượng OCOP thì rất khó.
Chính vì vậy, ông Brao Sang cho biết qua xem xét và lựa chọn, các thành viên HTX quyết định chọn măng nứa khô để xây dựng thương hiệu, với mong muốn đưa sản vật của vùng đến được với đông đảo người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong xã. Và từ khi tham gia HTX thì bà con địa phương đã thay đổi rất nhiều về tư duy sản xuất hàng hóa, phải làm ra sản phẩm OCOP có chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường.
Còn theo bà Brao Thướp ở thôn Đắc Ốc, xã La Dêê, trước đây bà con trong xã trồng nông sản nhưng không biết bán ở đâu, ăn thì không xuể. Nhưng từ khi có HTX “dẫn đường” trong việc canh tác đã giúp cho bà con nắm bắt xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, phải thay đổi tư duy canh tác truyền thống sang chuyên nghiệp hóa, HTX cũng đảm bảo ở khâu tiêu thụ nên bà con yên tâm hơn. Nhờ đó khi bà con trồng măng, chuối bán cho HTX mang lại thu nhập khá hơn trước.
Gắn sản xuất với nhu cầu thị trường
Có thể thấy những thay đổi trong mô hình sản xuất gắn với HTX ở xã La Dêê cần được nhân rộng. Bởi vì trước đây do chưa có phương thức làm ăn hiệu quả nên cuộc sống người dân ở xã biên giới này gặp rất nhiều khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân, mà còn tạo nên rào cản trong quá trình phát triển của địa phương.
![]() |
HTX dệt thổ cẩm Cơ Tu ZaRa đang tạo ra sự thay đổi về tư duy sản xuất hàng hóa cho đồng bào thiểu số tại địa phương đối với nghề truyền thống dệt thổ cẩm. |
Ngoài ra, có thể kể đến HTX dệt thổ cẩm Cơ Tu ZaRa ở xã Tà Bhing (huyện Nam Giang) đang tạo ra sự thay đổi về tư duy sản xuất hàng hóa cho đồng bào thiểu số tại địa phương đối với nghề truyền thống dệt thổ cẩm.
Đặc biệt là trong việc nâng tầm sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu như túi, khăn, ví, khố, áo choàng, váy…, cũng như phát triển thêm nhiều sản phẩm mới để phục vụ du lịch như: bao gối, áo, tấm đắp, khăn trải bàn đến túi xách, túi đeo, ví nam, ví nữ…
Chất lượng sản phẩm của HTX ngày càng được nâng cao, trở thành món quà lưu niệm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, thổ cẩm Zara của HTX còn được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, khẳng định giá trị thương hiệu làng nghề giữa thị trường rộng lớn
Như chia sẻ của bà Bling Hoa, 58 tuổi, một phụ nữ dân tộc thiểu số và là thợ dệt lành nghề của HTX, nếu như trước đây phụ nữ trong xã dệt tại nhà thì nay sẽ tập trung về HTX. Điều này giúp đảm bảo những đơn đặt hàng số lượng, vừa thuận lợi sản xuất, vừa giúp du khách dễ dàng tham quan, mua sắm.
Cũng theo bà Bling Hoa, để đáp ứng thị hiếu mới, một số chi tiết, kiểu dáng đã được HTX được điều chỉnh linh hoạt. Và những sản phẩm vừa giữ nét truyền thống, vừa hiện đại hóa theo nhu cầu tiêu dùng được thị trường đón nhận tích cực.
Nhờ thay đổi tư duy gắn sản xuất với nhu cầu thị trường mà đến nay HTX này đã cung cấp cho thị trường từ 200 đến 300 sản phẩm các loại, trong đó, có rất nhiều sản phẩm hấp dẫn khách du lịch nước ngoài. Hầu như các mặt hàng đều được tiêu thụ hết, góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện đời sống và có cơ hội đổi đời.
Thanh Loan