Từ khi Điện Biên đi vào triển khai thực hiện chương trình"Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030, sản phẩm dệt của HTX Na Sang 2 là một trong những sản phẩm tiêu biểu được chọn là 1 trong 25 sản phẩm đăng ký xét duyệt sản phẩm OCOP trong năm 2019.
Giữ gìn bản sắc văn hóa
Sinh ra và lớn lên ở bản Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, chị Lò Thị Viên từ nhỏ đã được nghe tiếng kẽo kẹt thoi đưa từ khung cửi dệt thổ cẩm của bà, của mẹ, có lẽ cũng bởi vì vậy mà niềm yêu thích đối với nghề thổ cẩm của dân tộc dần lớn lên, khiến người phụ nữ dân tộc Lào ấy quyết tâm gây dựng, đưa sản phẩm của dân tộc ra thị trường.
Là nghề truyền thống, thể hiện nét văn hóa dân tộc nhưng chị Viên cho biết, đã có khoảng thời gian, nghề tưởng như mai một bởi lớp trẻ chẳng mấy hứng thú với nghề dệt, sản phẩm thủ công làm ra không được coi là một loại hàng hóa thực sự. Nhưng với tinh thần yêu nghề, tâm huyết với giá trị văn hóa của dân tộc, mong muốn nghề dệt truyền thống được lưu giữ cho thế hệ mai sau, chị Viên không cho phép điều đó xảy ra, và thế là chị quyết tâm thành lập HTX Na Sang 2, mở cuộc vận động, tập huấn cho các chị em về cách thức dệt, nói cho họ hiểu về văn hóa dân tộc, đồng thời cam kết sẽ có đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho chị em...
Trời không phụ lòng người, sau những ngày tháng vất vả gây dựng, HTX dệt thổ cẩm Na Hang 2 ngày càng có đông đảo chị em tin tưởng, tham gia, những đơn hàng đầu tiên đã được đưa ra tiêu thụ trên thị trường các tỉnh phía Bắc, dần được người tiêu dùng và khách du lịch biết đến.
Không chỉ vậy, HTX còn trở thành một trong những HTX điển hình của tỉnh Điện Biên, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Đặc biệt, từ khi Điện Biên đi vào triển khai thực hiện chương trình"Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030, sản phẩm dệt của HTX đã được chọn là 1 trong 25 sản phẩm đăng ký xét duyệt sản phẩm OCOP trong năm 2019.
Chị Lò Thị Viên cần mẫn bên khung cửi truyền thống của dân tộc |
Nâng cao giá trị sản phẩm
Chương trình đã mở ra cánh của mới với HTX dệt thổ cẩm nói riêng và toàn tỉnh Điện Biên nói chung. Đi vào thực hiện chương trình, các làng nghề, THT, HTX địa bàn tỉnh Điên Biên không chỉ được tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận ý tưởng sản phẩm; nhận kế hoạch kinh doanh; triển khai kế hoạch kinh doanh…, mà còn được đăng ký, công bố chất lượng, bao bì nhãn mác sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn OCOP.
Dù mới đi vào triển khai thực hiên OCOP được 1 năm, nhưng Điện Biên đã xây dựng được 25 sản phẩm đăng ký xét duyệt sản phẩm OCOP trong năm 2019; bao gồm chè Tủa Chùa, cà phê Hồng Kỳ (Tuần Giáo), cà phê Mường Ảng, đông trùng hạ thảo; thịt khô, rượu táo, rượu chuối (Tp. Ðiện Biên Phủ), gạo chất lượng cao, mật ong (huyện Ðiện Biên)… Chương trình đã góp phần quảng cáo, mang sản phẩm địa phương đến với người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tạo việc làm cho người dân, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông thôn mới tại địa phương.
Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: Trong thời gian tới, Điện Biên sẽ thực hiện các chính sách hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp, sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu, giúp các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân…
UBND tỉnh mong mỏi sự hỗ trợ các các ban, ngành và người dân để chương trình OCOP đạt hiệu quả cao hơn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.
Khánh Hồng