![]() |
Chà Nưa đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường |
ĐIểm đặc biệt ở Chà Nưa là không chỉ các cấp chính quyền mà người dân nơi đây cũng tự nguyện tham gia, đóng góp, chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn xanh-sạch-đẹp.
Chung tay vì môi trường
Thời gian qua, Chà Nưa đã đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, vệ sinh môi trường nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới…
Trong đó, để thay đổi thói quen thu gom rác thải, xã đã triển khai mô hình xây dựng bể chứa rác thải theo nhóm hộ gia đình để tập trung thu gom, xử lý rác, hạn chế rác thải phát sinh ra ngoài môi trường.
Bản Nà Sự 2 là một trong 8 bản vùng thấp xây dựng lò đốt rác đầu tiên của xã Chà Nưa. Bản có 63 hộ với 273 nhân khẩu. Thời gian trước rác thải sinh hoạt của bà con đều đổ hết xuống suối hoặc tiện đâu vứt đó. Vào mùa mưa thì rác trôi nổi, trời nắng sẽ bốc mùi hôi thối.
Tuy nhiên, khi được chính quyền hỗ trợ và vận động xây dựng bể thu gom rác thải, người dân đã nhiệt tình tham gia. Đến nay, bản đã xây được 3 lò, trung bình 3-10 hộ sử dụng 1 lò đốt rác.
Việc xây dựng lò đốt rác thải to hay nhỏ tùy thuộc vào lượng rác đốt của mỗi gia đình hoặc một cụm hộ gia đình. Lò đốt sẽ được mọi người trong nhóm hộ phân công quản lý theo quy định, trung bình mỗi tuần sẽ xử lý rác và vệ sinh lò 1 lần, tùy số hộ sử dụng.
Đến nay, toàn xã đã xây dựng được trên 100 lò đốt rác, người dân đã bắt đầu quen với việc phân loại rác và xử lý rác đúng nơi quy định. Góp phần xử lý khoảng 90% lượng rác thải sinh hoạt; góp phần hoàn thành tiêu chí mô trường trong xây dựng nông thôn mới. Mọi hoạt động thu gom rác thải vẫn được người dân duy trì.
Mô hình xây dựng bể thu gom rác thải được đánh giá là hiệu quả tại đây bởi chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện, lại có tính ứng dụng cao. Mô hình này còn hình thành ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường nông thôn.
Bảo vệ rừng
Là huyện miền núi nên diện tích rừng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường nông thôn tại Chà Nưa. Chính vì vậy, bảo vệ và phát triển rừng có vai trò quan trọng.
Với phương châm không để “đất nghỉ”, xác định trồng và phát triển rừng không chỉ hình thành được “hàng rào xanh” an toàn bảo vệ môi trường mà còn là biện pháp giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững, xã đã tích cực phát triển trồng rừng để mở rộng diện tích. Xã phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng từ 53,47% (năm 2016) lên 62%.
Chà Nưa đã thực hiện nghiêm túc tiến độ giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư bản để tổ chức quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng. Tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm, làm cháy rừng, xử lý nghiêm những trường hợp khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép; xây dựng lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở các bản; có cơ chế, kinh phí, khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất cho lực lượng tham gia trực tiếp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng…
Đồng thời, xã đẩy nhanh phát triển sản xuất, khai hoang ruộng nước, ruộng bậc thang, giảm dần lệ thuộc vào sản xuất lúa nương; xây dựng mô hình nông – lâm kết hợp khuyến khích chuyển đổi đất trồng lúa nương sang đất trồng rừng sản xuất và phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh rừng…
Xã đã vận động nhân dân của 9 bản trong xã trồng gần 100.000 cây sa nhân; nuôi 500 tổ ong lấy mật; trồng trên 10ha dổi mỡ… từ đó giúp người dân có nguồn sinh kế từ rừng. Kết hợp với mô hình kinh tế mới, xã tiếp tục động viên, khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm để tạo nguồn thu nhập ổn định.
Nhờ những biện pháp cụ thể, thiết thực, môi trường sinh thái tại Chà Nưa được giữ vững, rác thải nông thôn được giải quyết, bảo đảm đời sống và sức khỏe cho người dân.
Như Yến