Ngày 22/5 vừa qua, Sở KH&CN đã tổ chức hội nghị công bố nhãn hiệu chứng nhận “Vải trứng Hưng Yên” cho sản phẩm vải trứng của tỉnh. Đây là sản phẩm nông sản thứ 19 của Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu.
Được mùa, được cả giá
Toàn huyện Phù Cừ hiện có khoảng 100ha vải trứng, trong đó hơn 15ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã Phan Sào Nam và đang được nhân rộng ra các xã Minh Tân, Đoàn Đào và thị trấn Trần Cao.
Do áp dụng kỹ thuật tốt, trồng theo quy trình VietGAP, vải trứng không còn hiện tượng thu hoạch cách năm (Ảnh: TL) |
Trên địa bàn huyện có nhiều hộ trồng vải với diện tích lớn như ông Mai Văn Diện, Nguyễn Văn Vì, Nguyễn Văn Chiến. Hiện nay, tại vườn nhà ông Vì ở xã Phan Sào Nam vẫn còn cây vải trứng 150 tuổi, được coi là cây vải tổ. Năm 2018, xã Phan Sào Nam thành lập HTX Nông nghiệp Quyết Tiến để bảo tồn và phát triển giống vải quý này.
Ông Đoàn Văn Hiểu, thành viên HTX Nông nghiệp Quyết Tiến cho biết: “Một cây vải xòe tán chiếm diện tích 50m2 và cho năng suất từ 350 - 400kg/năm, thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng. Việc chăm sóc cây vải u trứng đòi hỏi sự kỳ công nhưng cho giá trị kinh tế cao”.
Vải trứng là giống vải khó tính, thông thường cho thu hoạch cách năm, nghĩa là một năm được mùa sẽ xen một năm mất mùa. Tuy nhiên, do áp dụng kỹ thuật tốt, trồng vải theo quy trình VietGAP, nhiều hộ trồng đã khắc chế được hạn chế này để vải ra hoa đều hàng năm. Năm nay, sản lượng vải đạt khá, toàn huyện Phù Cừ ước thu gần 20 tấn vải trứng. Hiện nay, các diện tích đã được đặt mua hết tại vườn với giá trung bình từ 50.000 - 70.000 đồng/kg.
Với 3 mẫu trồng vải trứng, anh Mai Văn Diện ở thôn Ba Đông cho biết, năm nay, sản lượng vải trứng của gia đình cao hơn so với năm ngoái, ước thu 7 tấn quả từ 100 cây, bán với giá 60.000 - 70.000 đồng/kg, dự kiến mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng.
Giá trị của cây vải trứng ở xã Phan Sào Nam ngày càng được nâng cao. Thời gian tới được tỉnh cho mở rộng quy hoạch ra 79ha, chính quyền xã đang đẩy mạnh tuyên truyền cùng với người dân, Sở KH&CN xây dựng quy trình chăm bón tốt nhất, tạo điều kiện nâng cao chất lượng vải lai trứng.
Giữ gìn và phát triển thương hiệu
Những năm gần đây, cây vải trứng đã mở ra triển vọng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất chiêm trũng ở các huyện Phù Cừ, Ân Thi. Cùng với thời gian thu hoạch sớm, ưu thế vượt trội của vải trứng là khi chín, vỏ mỏng có màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc và thơm mát, quả to như quả trứng gà, trọng lượng từ 20 - 22 quả/kg. Do vậy, vải trứng hiện được bán tại vườn với mức trung bình 50.000 - 70.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với vải lai chín sớm.
Vải trứng hiện được bán tại vườn với mức trung bình 50.000 - 70.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với vải lai chín sớm (Ảnh: TL |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng, với việc đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu “Vải trứng Hưng Yên” sẽ góp phần liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh cùng xây dựng, bảo vệ sản phẩm đặc sản của quê hương. Do đó, trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân xã Phan Sào Nam cần tích cực đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc để cây vải trứng Hưng Yên cho hiệu quả và chất lượng cao.
Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND xã Phan Sào Nam, huyện Phủ Cừ cho biết: “Xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục chuyển đổi diện tích cấy lúa, rau màu, cây ăn quả khác kém hiệu quả sang trồng vải trứng. Đồng thời, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở KH&CN... xây dựng quy trình chăm sóc, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trong xã để nâng cao năng suất, chất lượng vải trứng...”.
Đáng chú ý, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, năm 2020, Hội đồng KH&CN tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện 16 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực NN&PTNT với tổng kinh phí trên 6,6 tỷ đồng. Trong đó, riêng với cây vải có 2 đề tài: nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục hiện tượng ra quả cách năm, góp phần tăng năng suất của giống vải lai trứng tại huyện Phù Cừ; nghiên cứu biện pháp kỹ thuật để đẩy sớm thời vụ và rải vụ thu hoạch giống vải lai tại huyện Phù Cừ.
Đức Nguyễn