Trồng nấm rơm là nghề khá mới ở Ya Tờ Mốt. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm phát triển, hoạt động trồng nấm rơm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, với sự tham gia của các tổ hợp tác, HTX đã và đang cho thấy tiềm năng vượt trội, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho các hộ nông dân nhờ giá nấm rơm luôn ổn định.
Mang lại hiệu quả kép
HTX Nấm và Dịch vụ nông nghiệp Ea Súp đang là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển mô hình trồng nấm sạch, thân thiện môi trường trên địa bàn xã Y Tờ Mốt.
Hiện, HTX có 3 nhà trồng nấm rơm, mỗi nhà có diện tích 75 m2, mái lợp tôn, nền nhà trồng tráng xi măng. Mỗi nhà nấm trồng được 120 mô nấm.
Mô hình trồng nấm sạch mở hướng đi mới cho người dân xã Y Tờ Mốt nâng cao thu nhập (Ảnh TL). |
Theo Ban giám đốc HTX, việc trồng nấm trong nhà giúp các thành viên điều chỉnh được nhiệt độ, hạn chế được dịch bệnh, từ đó cho năng suất cao hơn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào thời tiết, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Đến nay, trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp 2 tấn nấm ra thị trường. Sản phẩm tạo niềm tin với người tiêu dùng vì bảo đảm không phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng trong rơm, không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, chất bảo quản…
Với đầu ra thuận lợi, HTX mang về thu nhập 15 triệu đồng/tháng cho mỗi thành viên. HTX Ea Súp còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Nếu nấm là mô hình mới thì cây lúa là cây nông nghiệp truyền thống ở Y Tờ Mốt. Nhờ những chuyển biến trong tư duy sản xuất, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật, hiệu quả của mô hình ngày càng được nâng lên.
Điển hình, HTX dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8-4 đang sản xuất tập trung hơn 80 ha lúa trên địa bàn thôn 14A, xã Y Tờ Mốt. Nhờ sản xuất khoa học, cánh đồng của HTX luôn cho năng suất 7-9 tấn/ha. Lợi nhuận bình quân đạt trên 2,5 tỷ đồng/năm.
Thêm động lực phát triển
Ông Lã Như Kỹ, Chủ tịch HĐQT HTX 8-4 cho biết, để sản xuất hiệu quả trên cánh đồng lớn, hầu hết các giai đoạn canh tác của HTX đều ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản phẩm, gia tăng giá trị nông nghiệp trên cùng một đơn vị diện tích.
Các mô hình nông nghiệp của xã được phát triển theo hướng hữu cơ (Ảnh TL). |
Cụ thể, HTX đã cho quy hoạch cánh đồng lúa theo lô, bờ thửa hợp lý để tạo thuận lợi cho việc tưới tiêu. Đồng thời, cơ giới hóa toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc và thu hoạch lúa.
Các loại hóa chất độc hại được thành viên HTX loại bỏ, ưu tiên phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai, áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thiên địch để hạn chế sâu hại, côn trùng gây bệnh…
Bên cạnh nấm và lúa, xã Y Tờ Mốt cũng đang rất thành công với cây ăn quả. Đặc điểm chung của các mô hình đều thành công nhờ chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng khoa học, thân thiện môi trường.
Đại diện UBND xã Y Tờ Mốt cho hay, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đem lại hiệu quả bền vững cho người dân.
Xã cũng chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, khuyến khích hình thành các chuỗi giá trị sản xuất khép kín, để từ đó nâng cao năng lực sản xuất cho người dân, gia tăng chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường.
“Cùng với nỗ lực phát huy những giá trị nội tại, xã cũng đang rất cần các chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao trình độ cho lao động địa phương… của các cấp, ngành quản lý”, đại diện UBND xã Y Tờ Mốt nhấn mạnh.
Nhật Minh