Anh Riáh Cường, người dân tộc Cơ Tu, phụ trách kinh doanh của HTX Nông - dược xanh Trường Sơn (xã A Tiêng, huyện Tây Giang), cho biết các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của HTX đang được người tiêu dùng đón nhận khá tốt. Có được điều này cũng là nhờ các thành viên HTX đã “đánh thức” được sản vật bản địa ở địa phương.
Tận dụng thế mạnh cây dược liệu
Theo anh Cường, thế mạnh của HTX là chế biến và phát triển các sản phẩm OCOP từ đẳng sâm (như sâm hầm gà, cao đẳng sâm, đẳng sâm sấy dẻo) từ lợi thế là chủ động được vùng nguyên liệu với 20ha đẳng sâm. HTX cũng đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để hoàn thiện dây chuyền chế biến và trang thiết bị sản xuất.
![]() |
Diện tích trồng ba kích tím ở Tây Giang đang được mở rộng, giúp các HTX từng bước xây dựng được chuỗi sản phẩm có tính ổn định. |
Chính điều này đã giúp HTX chế biến ra những sản phẩm sâm thật chất lượng và đạt chuẩn OCOP, điển hình như sâm hầm gà, cao đẳng sâm (OCOP 3 sao năm 2023), đẳng sâm sấy dẻo (OCOP 3 sao năm 2024). Nhờ đó đưa HTX là một trong những đơn vị sở hữu nhiều sản phẩm OCOP nhất tại huyện Tây Giang.
Ngoài ra, HTX còn phát triển diện tích trồng cây dược liệu như 20ha sa nhân, 12ha gừng thông qua sự tham gia của hàng chục hộ dân trong chuỗi liên kết bao tiêu. Nhờ xác định rõ thế mạnh từ vùng nguyên liệu, HTX từng bước xây dựng được chuỗi giá trị dược liệu bản địa có tính ổn định.
Và để khai thác tốt sản vật bản địa, HTX đã có được “nhân tố” nhân lực chất lượng cao như anh Riáh Cường - một kỹ sư công nghệ thông tin với tuổi đời còn trẻ, luôn mong muốn tiếp cận, học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật để về áp dụng, đóng góp cho quê nhà.
Nhờ tiếp cận với một dự án do tổ chức nước ngoài tài trợ mà anh Cường học được các kỹ năng phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên bản địa và cách tổ chức một số mô hình mới phù hợp với điều kiện núi rừng.
Anh Cường cũng xác định nếu muốn nâng cao giá trị cho hàng nông sản và dược liệu vùng cao thì cá nhân anh sẽ không đủ nguồn lực. Chính vì vậy, anh cùng với 11 thành viên khác cũng là đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang thành lập HTX Nông - dược Trường Sơn Xanh. Sau này khi dự án phát triển, HTX kết nạp thêm một số thành viên là người Kinh, gia tăng nguồn lực tài chính.
Như chia sẻ của anh Ríah Cường, hiện nay, HTX đã phát triển nhiều dòng sản phẩm, trong đó có cao đẳng sâm, mứt đẳng sâm, rượu đẳng sâm và một số loại dược liệu đóng gói khác như ba kích, nấm lim, thất diệp nhất chi hoa... HTX cũng mở rộng liên kết với hơn 20 hộ dân ở các xã A Tiêng, Lăng, Ch'ơm, Ga Ry để xây dựng vùng nguyên liệu 20ha đẳng sâm và 20ha sâm ba kích.
Mang lại lợi ích cho cộng đồng
Bên cạnh mô hình nêu trên, trong việc “đánh thức” sản vật bản địa ở Tây Giang còn phải kể đến HTX Dược liệu và nông sản sạch cách mạng xanh (ở thôn Voong, xã Tr'hy) với việc khai thác nguyên liệu bản địa để chế biến ra sản phẩm tinh dầu sả Java Tây Giang. Đây cũng là một sản phẩm OCOP, được chiết xuất từ cây sả. Tinh dầu sả của HTX được đánh giá cao vì chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe.
![]() |
Hiện tại, Tây Giang có hơn 70ha diện tích đất trồng cây táo mèo, là lợi thế để cho các HTX có thể phát triển đa dạng sản phẩm. |
Hay như sản phẩm táo mèo sấy khô Tây Giang của HTX Nông nghiệp sinh thái rừng xanh, rau sạch (ở thôn Ating, xã Gari) với nguyên liệu từ cây táo mèo ở địa phương. Đây cũng là một sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Hiện tại, Tây Giang có hơn 70ha diện tích đất trồng cây táo mèo. Đây là lợi thế để cho HTX có thể phát triển đa dạng sản phẩm từ loại cây đặc trưng này (vốn chỉ được trồng ở vùng núi cao). Táo mèo nơi đây được cho là có hương vị độc đáo của vùng đất sát mây trời. Cũng nhờ có HTX mà thương hiệu táo mèo Tây Giang ngày càng được biết đến rộng rãi, qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ngoài ra, có thể kể đến cây ba kích - cây dược liệu quý của Tây Giang cũng đang được người dân địa phương phát huy thế mạnh để xây dựng sản phẩm OCOP. Điển hình là sản phẩm rượu ba kích của HTX Dược liệu Đức Huy (ở xã A Tiêng).
Bên cạnh rượu ba kích, vài năm trước, HTX này còn là chủ thể sản xuất và cung cấp sản phẩm rượu đẳng sâm và cao đẳng sâm đạt chuẩn chuẩn OCOP 4 sao. HTX hiện nay chuyên cung cấp các đặc sản của vùng núi rừng địa phương theo hướng an toàn, chất lượng như cao đảng sâm, rượu đảng sâm, rượu ba kích, nấm lim xanh rừng, nấm linh chi…
Để sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, bà Phạm Thị Lài, Giám đốc HTX Dược liệu Đức Huy, mong rằng sẽ tiếp tục có sự hỗ trợ nhiều hơn trong khâu quảng bá, xúc tiến thương mại tại các hội chợ.
Có thể nói việc “đánh thức” và khai thác sản vật bản địa với vai trò dẫn dắt của các HTX ở Tây Giang không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng mà còn thay đổi tư duy sản xuất cho người dân nơi đây để vươn lên thoát nghèo.
Hiện nay, huyện Tây Giang đang tiếp tục hỗ trợ OCOP gắn với vùng nguyên liệu, đầu tư hệ thống tem nhãn, bao bì, chứng nhận an toàn, truy xuất nguồn gốc và đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Địa phương cũng đầu tư một số cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu quy mô nhỏ để HTX khai thác tốt nguồn dược liệu và gắn sản xuất với bảo vệ rừng.
Cú hích để các HTX “đánh thức” tiềm năng
Thời gian gần đây, huyện Tây Giang tiếp tục đăng ký thêm 2 sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh trong năm 2025 là đẳng sâm sấy khô và đậu đỏ K7. Còn tính riêng năm 2024, địa phương này đã có 15 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó 3 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.
![]() |
Chương trình OCOP như một cú hích để các HTX ở Tây Giang “đánh thức” tiềm năng sản vật bản địa. |
Và chính chương trình OCOP như một cú hích để các HTX “đánh thức” tiềm năng và xây dựng sản phẩm có thương hiệu một cách bài bản, bền vững cho huyện Tây Giang. Nhờ đó, không ít sản phẩm đặc sản từ tài nguyên bản địa được ra đời và đến với người tiêu dùng, tạo thêm tính da dạng cho danh sách các nông sản đặc trưng của vùng đất miền núi này.
Không chỉ vậy, việc “đánh thức” các sản vật bản địa, tạo thành những sản phẩm OCOP còn tác động tích cực đến kinh tế xã hội của Tây Giang. Về mặt tổ chức sản xuất đã tập hợp được các hộ sản xuất nhỏ lẻ thành HTX đầu tư máy móc để biến những sản phẩm từ truyền thống, thủ công thành những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, từ đó nâng cao giá trị thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Về phía Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua đã chú trọng hỗ trợ, tạo chuỗi liên kết trong việc khai thác sản vật bản địa và phát triển sản phẩm OCOP của các HTX ở tỉnh Quảng Nam nói chung và ở huyện Tây Giang nói riêng.
Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh các giải pháp như tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các HTX ở Tây Giang trong phát triển sản xuất sản phẩm OCOP, hỗ trợ đào tạo chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, vốn, góp phần xây dựng thêm nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng tốt.
Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả cao trong khai thác sản vật bản địa và chương trình OCOP ở Tây Giang, từ định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh đã hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác chú trọng huy động các thành viên cùng tham gia chung sức đóng góp, xây dựng, nâng tầm các sản phẩm OCOP, ưu tiên sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đông đảo người dân. Đặc biệt là hướng các thành viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh dịch vụ gắn với chuỗi giá trị.
Thanh Loan