Khai thác đá ở mỏ đá Đà Sơn dưới chân núi Phước Tường |
Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 63 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động theo giấy phép của UBND thành phố. Trong đó có 37 mỏ khai thác đá với tổng diện tích khai thác 226 ha, trữ lượng hằng năm hơn 41 triệu m3.
Chú trọng công tác quản lý
Đánh giá về hiệu quả của việc khai thác sản xuất vật liệu xây dựng trong thời gian qua, ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở TN&MT thành phố, cho biết, đã đáp ứng về cơ bản nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng trên địa bàn.
Công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản đã chú trọng đến sự bền vững, đặc biệt quan tâm các vấn đề về ATLĐ, môi trường. Đa số các DN, HTX có hoạt động khoáng sản đã thực hiện đúng các quy định trong giấy phép, tập huấn ATLĐ hằng năm, có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường (BVMT) và thực hiện cam kết ký quỹ phục hồi môi trường. Mặc dù vậy, ATLĐ vẫn là vấn đề nổi cộm thời gian qua.
Bà Trần Thị Bích Liên - Trưởng phòng Việc làm - ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng), cho biết công tác quản lý ATLĐ tại các mỏ đá được xác định là vấn đề cấp bách. Tình hình TNLĐ trong thời gian gần đây có giảm về số vụ, nhưng số người chết lại tăng. Cụ thể, thống kê từ năm 2008 đến nay đã xảy ra hơn 400 vụ TNLĐ làm chết 35 người.
Để hạn chế TNLĐ tại các mỏ đá, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn về ATLĐ. 5 năm qua, Sở đã tổ chức được 15 lớp học, cấp hơn 1.000 thẻ ATLĐ cho NLĐ. Với mục đích nhằm trang bị thêm cho các DN, HTX và NLĐ những kiến thức cơ bản về ATLĐ, xử lý các tình huống bất trắc xảy ra.
Hiện nay, số lao động tại các mỏ đá trên địa bàn Đà Nẵng chưa được ngành chức năng thống kê cụ thể, vì thay đổi theo mùa vụ. Mặt khác, con số về các vụ TNLĐ và số thương vong nếu các đơn vị không báo cáo đầy đủ, nên chưa thể hiện được mức độ nghiêm trọng của ATLĐ.
Tăng cường sự phối hợp
Từ thực tế đó cho thấy, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, một số địa phương buông lỏng, cho phép khai thác, tận thu khoáng sản không đúng thẩm quyền hoặc đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý cũng như xử lý các vụ việc xảy ra. Về lâu dài, chính quyền địa phương nên có những biện pháp triệt để hơn, kiểm tra thường xuyên và xử phạt mạnh đối với các chủ mỏ vi phạm.
Theo Chánh thanh tra Sở TN&MT Hoàng Minh Hòa, thời gian qua, đơn vị nhận được nhiều đơn thư kiến nghị của người dân sống chung quanh các khu vực khai thác khoáng sản về tình trạng ô nhiễm môi trường, bụi, tiếng ồn do nổ mìn. Qua thanh tra, kiểm tra, đã xử phạt hai mỏ đá khai thác ngoài diện tích cấp phép với số tiền 22 triệu đồng.
Công tác quản lý nhà nước đối với các mỏ đá cần được các ngành chức năng phối hợp hiệu quả, đúng quy trình. Hiện nay, có 8 mỏ đá ở Đà Nẵng đã ngừng hoạt động vì một số lý do, như hết giấy phép, chờ cấp giấy phép; do chưa đầy đủ hồ sơ, thủ tục, mới cấp phép chưa hoạt động. Một số mỏ đá làm ăn thua lỗ, nợ bảo hiểm hoặc đang khai thác “chui”. Tại các mỏ khai thác này, NLĐ vẫn chưa trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, thiếu nợ bảo hiểm. Hoặc trong quá trình khai thác mỏ, một số DN, HTX khai thác đá lại thuê những đội chuyên nghiệp khoan, nổ mìn để khai thác mỏ mà không nộp bảo hiểm lao động cho những người làm thuê này.
C.Bình