Hữu Lũng hiện nay là vùng trồng măng Bát Độ lớn nhất tỉnh Lạng Sơn với diện tích 170ha. Hiện nay, địa phương đã kết nối được với doanh nghiệp để thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị.
Sản xuất bền vững
Thực tế, vùng đất trồng măng Bát Độ ở Hữu Lũng phần lớn phần lớn là đất đồi dốc, nếu người dân chỉ canh tác nhỏ lẻ, đơn thuần và mang tính tự nhiên là chính mà không chú trọng, tập trung đến việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thì sẽ làm cho đất bị xói mòn, rửa trôi gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.
Trong khi đó, việc trồng măng Bát Độ là cây lâu năm nên mỗi năm loài cây này lại lấy đi của đất một lượng dinh dưỡng rất lớn. Trước đây, người dân địa phương chủ yếu chỉ trồng tự nhiên, đến vụ thì thu hoạch, hoàn toàn không bón phân hay thực hiện cải tạo đất hoặc có bón phân nhưng chưa đúng kỹ thuật nên năng suất chưa cao, đất ngày càng bị thoái hóa, dẫn đến tình trạng xói mòn, rửa trôi.
Vì vậy, để nâng cao năng suất, giá trị cây măng Bát Độ, đồng thời chống xói mòn tầng đất mặt, bổ sung các chất hữu cơ cải tạo đất là việc mà chính quyền huyện quan tâm thực hiện.
Huyện Hữu Lũng đã xác định việc canh tác măng Bát Độ theo hướng bền vững là việc làm vô cùng cần thiết, từ đó đưa ra các phương án cụ thể để hỗ trợ người dân sản xuất hiệu quả như khi trồng măng cần trồng xen các cây họ đậu hoặc trồng thêm các băng cỏ để tăng thu nhập, giữ đất và chất dinh dưỡng cho cây măng Bát Độ.
Hữu Lũng đẩy mạnh phát triển trồng măng tre Bát Độ bền vững |
Kỹ thuật trồng măng Bát Độ không quá khó nhưng phải có những quy định cụ thể thì mới cho năng suất cao. Cụ thể như phải xới đất xung quanh gốc cây cho tơi xốp cộng với bón phân hữu cơ để cây đủ chất dinh dưỡng. Bình thường măng cho thu hoạch 25-30 tấn/ha, nhưng khi chăm sóc tốt, người dân có thể thu khoảng 60 tấn/ha.
Bên cạnh bán măng với giá trị kinh tế cao, măng Bát Độ còn có bộ rễ phát triển khỏe, góp phần cải tạo môi trường sinh thái, phủ xanh đất trống đồi trọc tại địa phương.
Liên kết chuỗi
Có thể nói, trồng măng Bát Độ là cây phù hợp với điều kiện tự nhiên của Hữu Lũng. Tuy nhiên, để phát triển bài bản và có thể ký kết được hợp đồng với doanh nghiệp, thì việc mà địa phương cần làm đó chính là thành lập HTX. Thông qua HTX, doanh nghiệp mới có thể liên kết với người dân để gia tăng giá trị sản xuất cũng như phát triển thương hiệu Măng tre Bát Độ Hữu Lũng.
Hiện nay, HTX Sản xuất, cung ứng và dịch vụ nông nghiệp Quyết Thắng (xã Quyết Thắng) là đơn vị tiêu biểu trong liên kết và hướng dẫn người dân sản xuất măng Bát Độ theo hướng bền vững. HTX cũng là đơn vị đứng ra thu mua măng theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp giúp người dân yên tâm sản xuất.
Trồng măng còn giúp bỏ vệ môi trường |
Ông Lên Văn Toàn-Giám đốc HTX-cho biết công ty G.O.C là đơn vị đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm, không dừng lại ở đó, công ty còn hỗ trợ HTX máy móc, thiết bị để thực hiện sơ chế.
Nhờ áp dụng canh tác bền vững, chú trọng áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng măng Bát Độ của HTX đều đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nên được thu mua với giá cao hơn giá thị trường.
Công ty G.O.C hiện nay ký hợp đồng thu mua toàn bộ măng tre Bát Độ của huyện Hữu Lũng nếu như măng đạt yêu cầu trong khi toàn bộ diện tích măng tre Bát Độ của huyện chưa đủ yêu cầu phục vụ sản xuất của công ty này. Chính vì vậy, hiện nay, UBND huyện đang tích cực cùng người dân mở rộng diện tích sản xuất bền vững, đưa vùng nguyên liên lên khoảng 300ha để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Có thể thấy các biện pháp kỹ thuật được áp dụng và hướng làm ăn liên kết theo chuỗi giá trị đã mang lại hiệu quả rõ nét cho vùng trồng măng tre Hữu Lũng. Đây cũng là việc làm cần thiết để duy trì ổn định năng suất, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm tính bền vững lâu dài cho vùng măng tre Bát Độ Hữu Lũng.
Huyền Trang