Tại xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn), người dân nơi đây đã tích cực học tập, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, trong đó có việc phát triển vùng lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Từ trồng lúa VietGAP…
Từ chỗ hoài nghi, đến nay, người dân xã Hoài Mỹ đã tin tưởng và gắn bó với cây lúa VietGAP. Các kỹ thuật sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường được người dân nắm rõ "trong lòng bàn tay".
Trong hàng loạt tiêu chí sản xuất lúa VietGAP, tiêu chí môi trường từng khiến người dân “oải” nhất vì buộc nông dân phải hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học, thay vào đó là dùng thuốc BVTV sinh học.
![]() |
Sản xuất lúa VietGAP giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường (Ảnh:TL) |
Trong trường hợp đặc biệt nảy sinh dịch rầy nâu, đạo ôn thì người trồng mới sử dụng thuốc BVTV hóa học nhưng phải tuân theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Do đó, để đạt tiêu chuẩn lúa VietGAP, các hộ nông dân tham gia mô hình đều được tập huấn bài bản và phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất lúa. Kết thúc mỗi vụ, các ngành chức năng đều thực hiện lấy mẫu, kiểm tra về các tiêu chuẩn theo quy định của lúa VietGAP, nếu đủ điều kiện mới được chứng nhận.
Không chỉ hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học, người dân còn áp dụng phương pháp trồng lúa cải tiến, thực hiện tưới ướt khô xen kẽ để hạn chế cỏ dại và sâu rầy. Cách làm này còn làm giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Đến nay, mô hình sản xuất lúa ở Hoài Mỹ vừa góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa đem lại sản phẩm nông nghiệp tốt để cung ứng ra thị trường. Ông Lê Văn Thái, người dân xã Hoài Mỹ, cho biết không như những năm trước - người dân vừa sử dụng vô tội vạ các thuốc BVTV rồi vứt bao bì, vỏ thuốc tràn lan ngoài đồng, hiện nay mọi người đều hạn chế sử dụng thuốc đồng thời có ý thức giữ gìn vệ sinh, đem bỏ vào bể thu gom được xây dựng dọc đồng ruộng.
Thông qua HTX nông nghiệp Hoài Mỹ, sản phẩm của người dân đã được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá cao hơn 15-20% giá thị trường, vì vậy người nông dân yên tâm sản xuất.
Hiện nay, huyện Hoài Nhơn đang tích cực khuyến khích người dân phát triển diện tích lúa VietGAP. Từ mô hình sản xuất của người dân với sự dẫn dắt của HTX Hoài Mỹ, huyện đang nhân rộng mô hình này với mục tiêu đưa diện tích canh tác lúa VietGAP lên 750 ha.
...Đến trồng lúa sinh thái
Nhằm hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, quản lý tốt dịch bệnh, góp phần nâng cao năng suất trên cây lúa, đồng thời tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, người dân tại thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam đã thực hiện trồng hoa tại các bờ ruộng. Dẫn dắt và hỗ trợ người dân là HTX nông nghiệp Tam Quan Nam.
Các giống hoa được trồng là sao nhái, hoa sam, hoa mười giờ…, là các loại hoa dễ trồng, không che rợp lúa, ra nhiều hoa, có màu sắc sặc sỡ, có mật hoa, phấn hoa nên thu hút nhiều thiên địch.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phước, nông dân tham gia mô hình, cho biết thực tế trồng hoa ở đầu các thửa rộng cho thấy người dân chỉ bón 2 lần phun thuốc, trong khi đó nếu để ruộng bình thường thì phải phun tới 5 lần phân vì sâu bệnh nhiều.
![]() |
Mô hình "ruộng lúa bờ hoa" giúp nâng cao năng suất lúa và bảo vệ môi trường (Ảnh:TL) |
Ông Trương Văn Hải, người dân Tăng Long 2, cho biết thêm: ông có hơn 1 sào lúa được trồng hoa ở đầu bờ ruộng. Năng suất thu hoạch khoảng 75 tạ/ha, cao hơn ruộng bình thường 5 tạ/ha. Từ kết quả này, ông Hải mong muốn tiếp tục áp dụng mô hình “ruộng lúa bờ hoa” ở những vụ tiếp theo.
Theo ban giám đốc HTX Tam Quan Nam, mô hình “ruộng lúa bờ hoa” thu hút được không ít người dân bởi dễ thực hiện, tạo môi trường trong lành, khi thăm đồng ruộng người dân thấy phấn khởi trước những màu sắc rực rỡ của nhiều loại hoa. Đặc biệt là ruộng lại ít bị sâu hại, giảm phun thuốc bảo vệ thực vật, tăng lợi nhuận và góp phần bảo vệ môi trường.
"Nếu không trồng hoa thì cỏ dại cũng mọc đầy bờ ruộng gây hại cho ruộng lúa, trong khi trồng hoa thì người dân không phải bỏ công nhiều công chăm lúa, diệt cỏ. Đặc biệt, mô hình này giúp hệ sinh thái đa dạng hơn. Các loại thiên địch sinh trưởng, phát triển mạnh nên khống chế được sâu bệnh, trong vụ lúa, người dân không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy mà cây lúa vẫn phát triển và cho năng suất cao hơn", đại diện HTX cho biết.
Với nhiều lợi ích thiết thực trong thực hiện mô hình “ruộng lúa bờ hoa”, thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Hoài Nhơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng mô hình này trên đồng ruộng, đồng thời kiến nghị chính quyền các địa phương và các hội đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai mô hình này ra diện rộng, qua đó giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Huyền Trang