Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc HTX Hiếu Bình (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, Tp.Cần Thơ), cho biết HTX ra đời nhằm hỗ trợ các thành viên khởi nghiệp. Năm 2016, HTX chủ yếu củng cố bộ máy tổ chức, xây dựng quy chế hoạt động. Các hoạt động dịch vụ được HTX bắt đầu thực hiện từ năm 2017 đến nay.
Ứng dụng cơ giới hóa
Được thành lập vào tháng 5/2016 với vốn điều lệ 6,4 tỷ đồng, HTX đã liên kết với nông dân trong khu vực sản xuất lúa theo cánh đồng lớn khoảng 1.200 ha, trong đó chuyên sản xuất lúa giống 300 ha, còn lại là lúa thương phẩm.
Với việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, HTX Nông nghiệp Hiếu Bình đã giúp 20 thành viên khởi nghiệp đạt lợi nhuận cao.
Ban đầu, HTX sản xuất trên diện tích 75 ha, đến nay đã tăng lên 300 ha. HTX duy trì diện tích này và sẽ tiếp tục mở rộng khi có thêm doanh nghiệp bao tiêu. Thời gian qua, lúa giống của HTX được nhiều doanh nghiệp bao tiêu, như: Tập đoàn Lộc Trời, công ty CP Giống cây trồng Cửu Long, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, công ty CP Giống cây trồng Miền Nam…
Để đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp, các thành viên của HTX áp dụng quy trình cấy tay với mật độ thưa (khoảng 60 - 62 kg lúa giống/ha) và các kỹ thuật canh tác mới trong sản xuất. Gần đây, nông dân HTX mạnh dạn áp dụng cấy lúa bằng máy trên diện tích 12 ha, lúa đều hàng hơn và cho năng suất cao hơn cấy tay.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh thức ăn gia súc và các dịch vụ khác mang lại lợi nhuận cho HTX hơn 166 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn đầu tư mua sắm máy cấy lúa và xây dựng trạm bơm điện phục vụ sản xuất cho các thành viên và người dân trong khu vực, góp phần giảm chi phí khoảng 1 triệu đồng/ha.
Là người đóng góp 100 triệu đồng vào vốn điều lệ của HTX, ông Nguyễn Văn Thân cũng khẳng định qua các vụ lúa được HTX giảm giá các dịch vụ trong quá trình canh tác, thu mua lúa hàng hóa cũng cao hơn giá thị trường… Đến cuối năm, ông Thân còn được nhận cổ tức hơn 10% tiền vốn.
HTX mạnh dạn áp dụng cấy lúa bằng máy trên diện tích 12 ha |
Tăng cường đầu tư, mở rộng dịch vụ
Với phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, các thành viên của HTX đã tự nguyện góp vốn đúng theo giao ước và luôn tuân thủ quy chế hoạt động của HTX. Nhờ sự tích cực thực hiện nhiệm vụ do Hội đồng quản trị và Ban giám đốc giao, các thành viên đã góp phần giúp HTX ngày càng đi vào nề nếp và có lợi nhuận.
Phát huy những kết quả đạt được, cộng với sự quan tâm hỗ trợ của ngành chức năng, chính quyền địa phương, HTX đang được dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) hỗ trợ đầu tư tổng trị giá tương đương 9 tỷ đồng để xây dựng lò sấy công suất 40 tấn/mẻ, kho lưu trữ 1.000 tấn, xây dựng thêm 2 trạm bơm điện phục vụ diện tích 600 ha.
Yêu cầu dự án đặt ra, HTX phải đối ứng vốn khoảng 3,5 tỷ đồng. Vì thế, các thành viên quyết định tăng vốn điều lệ bằng số vốn đối ứng để thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, HTX còn định hướng xây dựng cánh đồng đạt tiêu chuẩn VietGAP diện tích 59 ha, phát triển 100 thành viên liên kết. Đồng thời mở rộng thêm một số dịch vụ như: Cấy lúa bằng máy, sản xuất lúa giống, dịch vụ sấy lúa, trữ lúa lưu kho…
Cuối tháng 5/2018, tại Đại hội thành viên lần thứ I của HTX, Hội đồng quản trị HTX đã thông qua các tờ trình về dự toán lương, thù lao cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và bộ máy điều hành với số tiền 50 triệu đồng, được tất cả các thành viên có mặt biểu quyết tán thành.
Ông Đỗ Sĩ Nhường - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Mặc dù số tiền chi lương, thù lao cho bộ máy còn ít ỏi nhưng chứng tỏ HTX đã từng bước “ăn nên làm ra” và là HTX đầu tiên ở huyện Vĩnh Thạnh làm được điều này. Với những kết quả đạt được, HTX Hiếu Bình rất xứng đáng khi được UBND thành phố khen là tặng Tập thể lao động xuất sắc.
Hoàng Lê