![]() |
Thu hoạch rau ở huyện Quỳnh Lưu
Nhiều địa phương ở tỉnh Nghệ An đang hình thành những vùng chuyên canh có giá trị cao như chanh leo, dược liệu ở Quế Phong; mía, cam (Quỳ Hợp); gạo chất lượng cao (Yên Thành)…
Ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, trong một cuộc trao đổi gần đây nhấn mạnh: chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đã thực sự đem lại hiệu quả lớn trong việc làm tăng giá trị, sản lượng; đặc biệt là phát huy được thế mạnh kinh tế nông nghiệp của từng vùng.
Trong xây dựng NTM, huyện Quỳnh Lưu đã đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất để hình thành những vùng chuyên canh rau lớn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Theo khảo sát, toàn huyện đang có 3.000 ha chuyên canh sản xuất rau màu với tổng thu nhập mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Nắm bắt xu thế phát triển mới, nông dân huyện Quỳnh Lưu đã đầu tư trồng rau trong nhà lưới để cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đối với khu vực chuyên canh sản xuất rau, huyện đã có chính sách hỗ trợ xây dựng 4 mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, với tổng quy mô 4.000 m2 ở các xã Tân Sơn, Quỳnh Văn, Quỳnh Bảng và Quỳnh Nghĩa. Mỗi mô hình được huyện hỗ trợ 60%, tương đương tổng giá trị 250 triệu đồng.
“Với mục tiêu xây dựng thương hiệu rau sạch, an toàn, huyện Quỳnh Lưu đã tuyên truyền, tập huấn cho người dân ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp: dùng chế phẩm sinh học, sử dụng phân bón hữu cơ, không thuốc bảo vệ thực vật…”, một lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu cho hay.
Không có điều kiện thuận lợi về đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như các huyện đồng bằng, các huyện miền núi cũng đã có những hướng đi nhằm khai thác lợi thế đặc thù của địa phương.
Tại huyện Anh Sơn, địa phương đã thử nghiệm nhiều giống cây mới trên địa bàn, xây dựng từng vùng chuyên canh và cho thấy hiệu quả rõ nét.
Từ mô hình “Hỗ trợ sản xuất và chế biến chè theo hướng VietGap” do Sở KHCN hỗ trợ trồng thử nghiệm 10 ha chè theo quy trình sạch ở Khe Giát, Cồn Tít xã Hùng Sơn; xã này đã phát triển được hơn 300 ha chè theo mô hình này.
Nhờ chất lượng sản phẩm nên chè thương phẩm đã được tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc và xuất khẩu sang một số nước như Trung Quốc, Thái Lan…
Hiện nay, xí nghiệp chế biến chè trên địa bàn xã Hùng Sơn đang phối hợp với người dân hướng đến mở rộng diện tích chè sản xuất theo hướng VietGAP ra 2 xã Đức Sơn và Cẩm Sơn, đưa diện tích chè sạch đạt trên 600 ha.
Bên cạnh cây chè, huyện Anh sơn cũng đã thử nghiệm thành công mô hình trồng cam sạch ở Bãi Phủ xã Đỉnh Sơn; trồng dưa nhà lưới ở xã Hội Sơn.
Ông Hoàng Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, cho biết: Địa phương rất khuyến khích và tạo nhiều điều kiện, cơ chế để người dân mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp. Để nhân rộng và nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, huyện đang hoàn thiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như 300 ha rau sạch tại xã Phúc Sơn, mô hình sản xuất mía theo công nghệ Israel ở xã Đỉnh Sơn.
Thanh Hải