Khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh Thanh Hóa mới có 18 xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường. Sau 5 năm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã có 317/635 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí môi trường (chiếm 55%).
Tiêu chí khó thực hiện và duy trì
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa, tiêu chí 17 về môi trường là tiêu chí rất khó thực hiện và duy trì. Nhiều xã đã đạt chuẩn tiêu chí này, nhưng nếu buông lỏng sẽ trở về điểm xuất phát.
Hiện nay, ở khu vực nông thôn, miền núi, tỷ lệ các xã đạt tiêu chí môi trường rất thấp, như: Huyện Hà Trung, Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh… Đặc biệt, hai huyện miền núi Lang Chánh, Mường Lát không có xã nào đạt tiêu chí này.
Theo ông Trần Đức Năng - Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM, lý giải: Sở dĩ, các địa phương khó thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM là do môi trường nông thôn đang chịu sức ép từ việc tăng dân số, xử lý chất thải trong chăn nuôi, ô nhiễm từ việc sử dụng thuốc BVTV bừa bãi. Phong tục, sinh hoạt của người dân miền núi còn lạc hậu, đội ngũ thu gom rác thải chưa phát triển mạnh, ý thức của người dân còn hạn chế…
Để giải quyết “bài toán” môi trường nông thôn, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, đó là hỗ trợ người dân xây lò đốt rác hộ gia đình. Giúp người dân tự phân loại rác và xử lý rác thải ngay tại nhà, nâng cao ý thức vệ sinh môi trường cho người dân.
Điển hình của mô hình lò đốt rác mini này phải kể đến huyện Quảng Xương. Theo chân cán bộ Phòng TN&MT huyện đi thăm một số mô hình lò đốt rác của các hộ dân các xã như Quảng Phong, Quảng Thạch, Quảng Tân và Quảng Yên… sẽ thấy những con đường bê tông sạch sẽ không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi ra ven đường như trước nữa. Thay vào đó là từng nhà đã có lò đốt rác riêng để xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày, từ đó, môi trường nơi đây luôn xanh - sạch - đẹp.
Ông Mã Văn Thanh - Trưởng phòng TN&MT huyện Quảng Xương, cho biết: “Năm 2012, huyện đã xây dựng mô hình điểm về xây dựng lò đốt rác thải hộ gia đình tại 4 xã Quảng Phong, Quảng Hải, Quảng Hợp, Quảng Yên. Kinh phí cho mỗi lò đốt rác hộ gia đình là 250.000 đồng/lò, huyện hỗ trợ cho mỗi gia đình xây lò đốt rác 50.000 đồng.
![]() |
Chị Lê Thị Vân đốt rác thải tại lò đốt của gia đình
Nhiều hộ dân đã hưởng ứng
Tuy nguồn hỗ trợ không lớn, nhưng nhiều hộ dân đã hưởng ứng mô hình. Nhân dân nơi đây ý thức làm sạch môi trường rất quan trọng, từ đó góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Lò đốt rác gia đình được thiết kế với chiều cao 1m, rộng 1,2m, hình vuông và xây bằng gạch không nung. Khi được triển khai về địa phương một số hộ dân xây thêm nắp đậy để quá trình vận hành lò đốt không có khói bụi bay ra môi trường.
Chị Lê Thị Vân (thôn Yên Chung, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương) cho biết: “Trước đây, khi chưa có lò rác, nhà tôi cứ vứt rác ra đường hoặc mang ra mương vứt, cũng ô nhiễm lắm. Từ năm 2013, xã phát động xây lò rác tại nhà, tôi đăng ký xây luôn. Lò rác hộ gia đình rất tiện lợi, vừa sạch sẽ, vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”.
Theo ông Nguyễn Văn Huyên - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Yên: Mô hình này rất được nhân dân hưởng ứng. Bởi từ trước tới nay, người dân không có chỗ vứt rác nên toàn vứt ra đường hoặc các kênh, mương làm ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan.
“Lò đốt rác hộ gia đình là mô hình hiệu quả nhất, giải quyết được vấn đề rác thải sinh hoạt trong nông thôn. Góp phần nâng cao ý thức cho người dân, giảm thiểu tối đa lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường”, ông Huyên cho hay.
Như Quỳnh