Việc trồng xoài theo tiêu chuẩn "4 đúng" mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh Tư liệu) |
Ưu tiên chế phẩm sinh học
Tổ hợp tác (THT) xoài hữu cơ được cấp chứng nhận VietGAP từ đầu năm 2015. Để giữ vững thương hiệu, những năm qua, các thành viên THT luôn tuân thủ tuyệt đối các quy định về sản xuất hữu cơ mang lại những lợi ích vượt trội về kinh tế, môi trường.
Về phân bón, THT đã chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, các nhà khoa học để học cách sử dụng chế phẩm sinh học và điều chế các loại phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp (phân chuồng, rơm rạ, cỏ, lá cây tươi…).
Về thuốc bảo vệ thực vật, thành viên THT sử dụng các thảo dược tự nhiên như ớt, gừng, tỏi, rượu trắng… để điều chế các loại thuốc diệt sâu, bọ, côn trùng, các loại nấm gây hại… Đồng thời, THT cũng học cách sử dụng các loại thiên địch để loại bỏ những loại sâu bệnh hại.
Việc sử dụng các chế phẩm sinh học cũng được THT kiểm soát chặt chẽ bằng nguyên tắc “4 đúng” nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất và hạn chế các tác dụng phụ gây hại cho cây. Nguyên tắc “4 đúng” gồm đúng liều, đúng loại, đúng thời điểm, đúng thời gian cách ly.
Chia sẻ về phương thức sản xuất mới, ông Đặng Văn Những – Tổ trưởng THT Tân Thuận Tây, cho hay sau khi được địa phương tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu gây suy thoái hệ sinh thái, đặc biệt là đất đai, nguồn nước, tất cả các thành viên THT đều nhất trí phải thay đổi.
“Chúng tôi bắt đầu thử nghiệm giảm dần lượng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, tiến tới áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp, các chế phẩm sinh học được dùng để tiêu diệt sâu bệnh, còn dinh dưỡng của đất sẽ được trả lại bằng các loại phân hữu cơ”, ông Những nói.
Chất lượng vượt trội giúp xoài của THT được lòng người tiêu dùng (Ảnh TL) |
Chi phí giảm, lợi nhuận tăng
Theo các thành viên THT, việc ứng dụng sản xuất hữu cơ, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học đòi hỏi thời gian canh tác và cách thức sản xuất phức tạp hơn, tuy nhiên chi phí giảm và lợi nhuận có thể gia tăng 30 – 40%.
Nhờ sản xuất hữu cơ, các sản phẩm tại nhà vườn trong THT đều có chất lượng vượt trội, đáp ứng tốt các tiêu chí khắt khe của các đối tác, doanh nghiệp thu mua, qua đó mở rộng đầu ra, ổn định giá bán cho sản phẩm.
Năm 2019, trên 80% sản lượng xoài của THT được một doanh nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng bao tiêu với mức giá 22.000 - 25.000 đồng/kg. Đây là mức giá nhận được sự hài lòng của các thành viên, bởi theo tính toán, chỉ với mức giá 15.000 - 18.000 đồng/kg là các nhà vườn đã có lãi.
Tổ trưởng Đặng Văn Những chia sẻ trước đây, quy trình sản xuất truyền thống khiến các nhà vườn của THT bị phụ thuộc lớn vào thời tiết, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, mẫu mã, khó cạnh tranh, giá thành đầu tư lại tăng do phải phun xịt thuốc nhiều lần để trừ sâu bệnh.
Áp dụng phương thức mới, giá sản phẩm tăng bình quân 5.000 – 6.000 đồng/kg so với sản xuất truyền thống. Các nhà vườn được lựa chọn đối tác tiêu thụ, bán sản phẩm ngay tại cửa vườn, thay vì phụ thuộc vào thương lái, bị ép giá như khi sản xuất nhỏ lẻ.
“Những kết quả trong canh tác đã chứng minh việc sản xuất xoài theo hướng hữu cơ mở ra hướng đi bền vững cho sản phẩm nông sản địa phương, từng bước chinh phục người tiêu dùng khó tính, giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống của mình”, ông Những nhấn mạnh.
Nhật Minh