Huyện Bát Xát là vùng đất bao la, nguồn nước phong phú, khí hậu mát mẻ là điều kiện tốt nhất để giống lê Tai Nung (VH6) phát triển. Trong đó, xã vùng cao Nậm Pung có diện tích cây trồng lớn nhất. Ở đây, lê Tai Nung hợp đất, "hợp người" đã cho những lứa quả ngọt, giúp dân xóa đói, giảm nghèo.
Cây “xoá đói, giảm nghèo”
Nậm Pung có 352 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Dao và đồng bào Hà Nhì sinh sống. Sở hữu diện tích đất tự nhiên lớn, nguồn nước dồi dào, khí hậu ôn đới là tiềm năng và lợi thế để địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp.
Trước đây, do nhận thức của người dân còn hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là chìa khóa để giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2009, cây lê VH6 được đưa vào trồng thí điểm tại địa phương với hy vọng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả.
![]() |
Lê Tai Nung đã cho những lứa quả ngọt, giúp người dân Nậm Pung xóa đói, giảm nghèo. |
Cây lê VH6 là cây mà sau một lần trồng có thể cho thu hoạch liên tục trong vòng từ 30 đến 40 năm (sau 3- 5 năm tuỳ điều kiện chăm sóc cây chuyển sang chu kỳ kinh doanh), hàng năm chỉ phải làm cỏ 4 - 5 lần.
Quả lê Tai Nung hình tròn vỏ màu xanh phớt hồng, thịt quả trắng, lõi nhỏ, hương vị thơm, nhiều nước, ăn có vị ngọt mát nên rất được ưa chuộng. Trọng lượng trung bình 245gram, quả to 520gram, tuy nhiên, độ ngon ngọt thì như nhau.
Những năm trước, trên mảnh nương của gia đình chị Lý Gì Su (thôn Kin Chu Phìn 2, xã Nậm Pung) chủ yếu trồng ngô và đậu tương. Dù chăm chỉ quanh năm nhưng thu nhập của gia đình chị luôn bấp bênh, cuộc sống thường xuyên thiếu trước, hụt sau. Khi được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi cây trồng và hỗ trợ giống, kỹ thuật, chị Su đã mạnh dạn trồng thử nghiệm cây lê VH6.
Chị Lý Gì Su chia sẻ, ban đầu, chị lo lắng bởi VH6 là cây lâu năm, đầu tư tốn công, trồng thử nghiệm nên chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau đó được cán bộ xã động viên, hướng dẫn cách trồng, bón phân, vin cành, tạo tán, bọc quả nên chị yên tâm trồng.
“Vụ trước, 100 cây lê đã cho quả bói, tôi bán quả được gần 40 triệu đồng. Năm nay, quả nhiều hơn, tôi hy vọng sẽ thu được gấp đôi. Gia đình tôi cũng mới trồng thêm 200 cây lê trên diện tích nương ngô còn lại với mong muốn có thu nhập cao hơn trong thời gian tới, giúp gia đình ổn định cuộc sống”, chị Su nói.
Không chỉ gia đình chị Su, nhiều hộ dân khác ở Nậm Pung cũng đã chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng lê VH6.
Tiêu biểu có gia đình chị Tẩn Tả Mẩy ở thôn Kin Chu Phìn 1 hiện trồng hơn 1,5 ha cây lê VH6, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hay như gia đình chị Tẩn Lở Mẩy cùng thôn, trồng gần 1 ha, mỗi năm thu hơn 40 triệu đồng.
Đến nay, xã Nậm Pung có hơn 176 ha lê VH6, trong đó gần một nửa diện tích đã cho thu hoạch ổn định.
Ông Lý Gì Mờ, Chủ tịch UBND xã Nậm Pung cho biết, từ khi trồng lê, đời sống người dân được cải thiện rõ. Hiện, quả lê đã được công nhận OCOP 3 sao, khẳng định thương hiệu quả lê Nậm Pung trên thị trường.
Thành lập HTX hỗ trợ người dân
Xác định phát triển cây lê theo hướng hàng hóa, xã Nậm Pung đã chủ trương, định hướng thành lập các tổ hợp tác, HTX nhằm hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra và quảng bá sản phẩm, trong đó có HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nậm Pung đã sớm được thành lập.
HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nậm Pung hiện có hơn 20 thành viên. Ông Lý Dì Go, Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn bà con chăm sóc cây lê theo quy trình sạch, không dùng thuốc diệt cỏ, ưu tiên phân vi sinh để bảo vệ đất và cho chất lượng quả ngon, mẫu mã đẹp để tiếp cận thị trường tốt hơn. Trồng cây lê tuy cần nhiều công chăm sóc nhưng hiệu quả thì rõ rệt, thu nhập của bà con ngày càng cao”.
Trung bình 1 ha cây lê VH6 có khoảng 400 cây, với năng suất 30 - 50 kg quả/cây, giá bán dao động khoảng 30.000 - 50.000 đồng/kg sẽ mang lại thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm, cao gấp 2 - 3 lần trồng ngô hay lúa nương trước kia.
Không chỉ tại Nậm Pung, mô hình trồng lê VH6 đang được nhân rộng tại nhiều xã vùng cao khác như Pa Cheo, Y Tý, A Lù, Dền Thàng, Sàng Ma Sáo…
![]() |
Lê Nậm Pung đã được công nhận OCOP 3 sao. |
Tính đến nay, huyện Bát Xát đã trồng được 388 ha lê, trong đó khoảng 130 ha đã bước vào thời kỳ kinh doanh, sản lượng ước đạt hơn 320 tấn mỗi năm. Đáng chú ý, phần lớn diện tích này được chuyển đổi từ đất trồng ngô, lúa nương có hiệu quả thấp.
Ban lãnh đạo huyện nhận xét, từ vùng đất đồi dốc chỉ quen với cây trồng ngắn ngày, hiệu quả thấp, cây lê VH6 đã mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp ở các xã vùng cao huyện Bát Xát. Việc chuyển đổi giống cây trồng thành công không chỉ giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng địa phương.
Tỷ lệ giảm nghèo trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt 2,4%
Bát Xát là huyện nghèo vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lào Cai, toàn huyện có 17.696 hộ với 81.440 khẩu, trong đó trên 84% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí giữa các vùng không đồng đều; đời sống người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn…
Tuy nhiên, đến nay, kết quả giảm nghèo của huyện đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Bát Xát đã giảm từ 24,13% năm 2023 xuống còn 17,94% năm 2024.
Ước tính đến hết năm 2025, huyện giảm 4.643 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đạt 6,65%, vượt 166% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.
Được biết, giai đoạn 2024 – 2029, huyện Bát Xát phấn đấu bình quân mỗi năm giảm trên 7,2% hộ nghèo.
Để tiếp tục hoàn thành kế hoạch đề ra, đại diện UBND huyện cho biết sẽ đưa cây lê VH6 thành cây trồng chủ lực, để nâng cao thu nhập, xóa nghèo cho người dân tại các xã vùng cao. Đây là hướng phát triển phù hợp và bền vững, cần tiếp tục được nhân rộng và đầu tư đồng bộ trong thời gian tới.
Theo đó, để phát triển cây lê bền vững, huyện Bát Xát tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như quy hoạch vùng trồng, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, xây dựng bể chứa nước tại các vùng trọng điểm, tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống và phân bón cho các hộ dân.
Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh thành lập thêm nhiều tổ hợp tác, HTX để hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại để tiếp cận nhiều người tiêu dùng, mở rộng đầu ra bền vững.
Linh Đan