Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không chỉ là giấy, nhựa, nilon, mà còn là các vật liệu có thể gây sát thương như thủy tinh, thép, nhôm... Đây được gọi là chất thải nguy hại đồng ruộng cần được thu gom và xử lý theo đúng quy trình.
Thay đổi nhận thức
Trước đây, môi trường sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được xem trọng. Sau khi sử dụng xong thuốc BVTV, nông dân thường vứt vỏ chai, bao bì ngay trên cánh đồng. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan, mà còn gây ô nhiễm môi trường, về lâu dài còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người dân nông thôn.
Hiện nay, ở không ít địa phương, HTX và người dân đã chú ý đến việc thu gom rác thải nguy hại đồng ruộng. Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền và những việc làm thiết thực, các bể thu gom vỏ chai, lọ thuốc BVTV đã được xây dựng và phát huy hiệu quả. Người dân cũng thay đổi nhận thức, chung tay cùng các cơ quan, đoàn thể bảo vệ môi trường (BVMT).
Ông Lại Trung Truyền - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) cho biết: Trước đây, sử dụng xong, người dân thường vứt vỏ chai, bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng, kênh mương vì chưa nhận rõ tác hại của việc này.
Sau khi được chính quyền và HTX tuyên truyền, người dân đã dần hiểu được tác hại của việc làm trên, từ đó nâng cao ý thức, chung tay BVMT. Đến nay, HTX đã đầu tư xây dựng các bể chứa trải đều trên cánh đồng Dun. Các bể được xây bằng gạch, đáy đổ bê tông cốt thép với kích thước phù hợp.
Từ khi xây dựng các bể thu gom rác thải đồng ruộng, khi phun thuốc BVTV xong, người dân đã bỏ vỏ chai, lọ thuốc BVTV vào nơi quy định. Thậm chí khi thăm đồng, ai thấy vỏ chai, lọ thuốc BVTV đều tự giác thu gom đem về nơi quy định.
Để nâng cao nhận thức của người dân, hàng tuần, Ban quản trị HTX tổ chức đi kiểm tra kênh mương, đồng ruộng và thu gom các loại rác thải bỏ vào bể chứa để đốt, tiêu hủy. Bên cạnh đó, HTX cũng cử thành viên kết hợp với cán bộ của các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động từng hộ dân trên địa bàn nâng cao nhận thức BVMT đồng ruộng.
Theo lãnh đạo huyện Phú Thiện, mô hình xây dựng các bể rác thải ngoài đồng của HTX Nông nghiệp Đoàn Kết đã góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong công tác BVMT. Đây là mô hình được coi là khá hiệu quả trong xử lý môi trường hiện nay.
“Sắp tới, huyện sẽ phát động các xã, HTX học tập, nhân rộng mô hình bể chứa và xử lý rác thải ở HTX Đoàn Kết”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, cho biết.
Mô hình bể chứa vỏ bao thuốc BVTV ở Yên Mô, Ninh Bình |
Cách làm sáng tạo
Việc xây dựng các bể thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV không chỉ góp phần BVMT mà còn cải thiện tích cực diện mạo địa phương. Bên cạnh đó, người dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, ý nghĩa, từ đó chung tay cùng địa phương gìn giữ, bảo vệ, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Tuy nhiên, khi xây dựng các bể thu gom vỏ thuốc BVTV cần một khoản kinh phí tương đối lớn để rải đều các bể ở những vị trí thích hợp để thuận tiện cho người dân bỏ rác đúng nơi quy định, nhất là ở các cánh đồng lớn. Trong khi đó, điều kiện tại nhiều địa phương lại có hạn.
Để giải quyết tình trạng này, không ít địa phương đã có cách làm sáng tạo nhưng vẫn bảo đảm thu gom được lượng rác thải độc hại từ vỏ bao bì, chai thuốc BVTV. Tiêu biểu là tại HTX DVNN Phú Lương (Đông Hưng, Thái Bình).
Thay vì xây dựng bể bằng bê tông, HTX đã lắp đặt hàng chục ống bi tại các đường trục chính nội đồng để chứa bao bì thuốc BVTV. Ưu điểm của việc này là ống bi nhỏ gọn nhưng vẫn bảo đảm tính năng như bể chứa rác, lại tiết kiệm được chi phí đầu tư.
Sau mỗi chiến dịch phun trừ sâu, tổ thu gom rác thải của HTX ở các thôn sẽ tiến hành thu gom bao bì thuốc BVTV trong các ống bi mang đi xử lý. Nhờ các ống bi này mà lượng bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng xã Phú Lương giảm hẳn, ý thức người dân cũng được nâng cao.
Còn tại HTX Ca cao Hưng Lộc (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), ngoài việc đặt các thùng rác tại các điểm cố định, HTX đã phổ biến để thành viên và người dân dùng bao đặt ở đầu ruộng để thu gom rác thải từ vỏ thuốc BVTV.
Bao đựng rác được các thành viên và người dân tận dụng từ những bao lân, đạm cũ. Miệng bao được đính với vành thép để cố định hình tròn giúp mọi người dễ dàng bỏ rác vào.
Bao này được treo lên một chiếc cọc ngay lối ra vào trên bờ ruộng cho mọi người dễ quan sát. Khi bao đầy, HTX sẽ trực tiếp đi thu gom và mang ra bãi rác tập trung để đưa đi tiêu hủy.
Theo ban giám đốc HTX Hưng Lộc, làm bao đựng rác vừa đơn giản lại tiện dụng hơn nhiều so với vứt rác thải vào bể làm bằng bê tông. Nếu bể bê tông thiết kế không phù hợp sẽ khó thu gom, nhất là đối với các bể có diện tích lớn, xây sâu. Nhờ cách làm này mà đồng ruộng tại địa phương không còn cảnh ngổn ngang rác thải từ túi, vỏ đựng thuốc BVTV...
Như Yến