Xin ông cho biết mức độ rác thải sinh hoạt của khu vực Tp.HCM và cả nước hiện tại?
Là quốc gia đang trên đà phát triển, rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, rác thải tại các KCN, rác thải y tế… đang ngày một gia tăng. Quá trình đô thị hóa nhanh ở Việt Nam đang gây sức ép về môi trường sống của cộng đồng xã hội rất lớn.
Chỉ tính riêng Tp.Hà Nội và Tp.HCM, mỗi ngày lượng rác thải thải ra môi trường khoảng 70.000 tấn, trong khi năng lực xử lý rác thải của các DN trong nước còn nhiều hạn chế.
Ông Vũ Công Hòa, Chủ tịch HĐQT HTX bao bì, cơ khí Phương Nam
Nếu nhận thức được rằng việc triệt tiêu rác một các khoa học, xử lý rác là một ngành kinh tế xã hội được tách riêng không đồng hành cùng các ngành kinh tế thuần túy bình thường thì khi đó ngành kinh tế này mới thực sự mang lại lợi ích phục vụ cộng đồng.
Ông có đánh giá gì về công nghệ xử lý rác của các nước tiên tiến và công nghệ xử lý rác của Việt Nam hiện nay?
Có thể nói, các nước tiên tiến họ đã đi trước ta khoảng cách khá xa về công nghệ xử lý rác cũng như quan niệm về rác thải. Điển hình như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan, Đức…, việc thu gom rác được cộng đồng xã hội tích cực tự phân loại rác thải mà gia đình bỏ ra tại đầu nguồn, khi rác được chuyển giao vào các nhà máy, rác hữu cơ được được chế biến thành phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ lại cho ngành nông nghiệp. Rác nhựa được tái chế lại phục vụ cho ngành công nghiệp, các chất khác được thiêu hủy thu hồi phục vụ cho các dịch vụ năng lượng.
Hiện tại ở Việt Nam, chúng ta cũng đã từng bước hoàn thiện được các công đoạn trên và hoàn toàn dựa trên công nghệ của người Việt. Nhiều năm trước, chúng ta cũng đã nhập khẩu nhiều dây chuyền xử lý rác thải của các nước. Thế nhưng, do đặc thù khí hậu cũng như thói quen sinh hoạt của người dân, nên hiệu quả mang lại không cao, gây ra lãng phí rất nhiều.
Nước ta cũng đã bước đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa công nghệ vào xử lý rác thải. Cụ thể là mới đây, Chính phủ ra Quyết định 50 khuyến khích nghiên cứu, sản xuất thiết bị xử lý rác, ông có nhận định gì về điều này?
Quyết định 50 là bước ngoặt quan trọng trong ngành công nghệ xử lý rác. Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu sáng chế, tôi biết thời điểm đã đến, nên đã mạnh dạn đầu tư sâu và kêu gọi anh em mạnh dạn làm. Thế rồi dây chuyền phân loại rác ra đời được cung cấp đầu tiên cho nhà máy xử lý rác Bình Phước, thiết bị vận hành ổn định, tỷ lệ phân loại đạt gấp đôi thiết bị nước ngoài cùng tính năng.
Với ưu thế của mô hình công nghệ là đầu tư giá rẻ chỉ bằng một nửa so với máy nhập khẩu, kết cấu nhẹ, hợp lý, xử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nhà đầu tư. Nếu mô hình này được đặt ở khu đô thị vệ tinh gần KCN cùng với hệ thống công nghệ xử lý, tái chế chất thải công nghiệp tạo thành cụm công nghiệp xử lý các loại chất thải tổng hợp, nguy hại rất hiệu quả.
Ông có thể cho biết chiến lược phát triển của HTX trong thời gian tới?
Đến nay, HTX Phương Nam đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành nhà máy tại Công ty công nghệ môi trường tỉnh Bình Phước và Công ty CP Môi trường Đồng Xanh (nhà máy xử lý rác Trảng Dài, Tp.Biên Hòa, Đồng Nai), Công ty Phân Bón Việt Tiệp, Công ty Phân bón Phi Hùng cùng nhiều đơn vị khác. Một số công ty sản xuất nhựa cũng đã sử dụng dây chuyền tái chế của HTX.
Đến nay, các thiết bị đặc chủng xử lý rác thải, tái chế nhựa, sản xuất phân bón hữu cơ, lò đốt quay 2 cấp với công suất đạt 200 tấn/ngày đã được HTX chế tạo hoàn thiện và được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao, tương đương với các hệ thống xử lý rác tiên tiến trên thế giới.
Ông có kiến nghị gì đối với công tác xử lý rác nói chung và ngành công nghiệp xử lý rác nói riêng?
Hiện tại, tình trạng các dự án xử lý rác thải vẫn còn chậm tiến độ ở các địa phương còn khá phổ biến, các dự án xin cấp phép xong để đó vẫn còn tồn tại do những ưu đãi về chính sách về xây dựng hệ thống xử lý rác khiến cho một số DN ngoài ngành không đủ năng lực thực hiện cũng tham gia. Vì vậy, các tỉnh nên nghiên cứu việc ký quỹ trong việc thực hiện các dự án xử lý rác thải trên địa bàn nhằm tìm ra các DN thực sự có năng lực để thực hiện.
Ngoài ra, cũng cần hậu kiểm đối với các nhà máy, dây chuyền đã đưa vào sử dụng tránh tình trạng "nói một đằng làm một nẻo", cũng cần có một hội đồng tư vấn xử lý rác.
Vũ Độ - Lê Hoa