Thành lập năm 2015, nhiệm vụ trọng tâm của HTX Mai vàng Ngọa Vân Yên Tử là: bảo vệ quần thể và các cá thể mai vàng Ngọa Vân Yên Tử cổ thụ, hạn chế tối đa các tác động của tự nhiên và con người làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây mai; bảo tồn, phát triển thương hiệu vùng mai thương mại, tạo môi trường cảnh quan thiên nhiên, làm tăng giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh khu vực Yên Tử...
HTX ngăn chặn nạn chặt phá mai rừng
Mai vàng Yên Tử là loài hoa quý gắn với những giá trị văn hóa tâm linh của đất Phật. Tương truyền được trồng từ thế kỷ 13, sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử tu hành. Sau hàng trăm năm, những cây mai vàng đã trở thành rừng mai cổ thụ rộng lớn, nhiều cây cao hơn 15m trên vách đá cheo leo. Loài hoa này độc đáo nhờ sinh trưởng trong thời tiết sương gió, giá lạnh, có sức sống bền bỉ, kiên cường. Trời càng lạnh, hoa càng tỏa hương thơm thanh khiết.
![]() |
Mai vàng Yên Tử có sức sống bền bỉ, kiên cường |
Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều, nơi Đức vua Trần Nhân Tông nhập cõi niết bàn hóa Phật, Mai vàng Yên Tử phát triển mạnh. Cùng với thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều là địa phương sở hữu loài hoa quý hiếm này.
Từ một vài hộ yêu hoa, trồng hoa dưới chân núi Bảo Đài của xã Bình Khê, những năm gần đây, phong trào trồng hoa mai vàng Yên Tử được lan tỏa. Tháng 5/2015, những người nông dân yêu hoa mai đã thành lập HTX Mai vàng Ngọa Vân Yên Tử với mong muốn không chỉ phát triển kinh tế mà còn góp phần gìn giữ, nhân rộng giá trị của loài hoa hiếm có này, ngăn chặn nạn chặt phá mai rừng bừa bãi. HTX hiện có 10 thành viên là những nông dân của các thôn Ninh Bình, 6A, Trại Mới, Tây Sơn (xã Bình Khê) tham gia.
Anh Hoàng Đông Bắc - Giám đốc HTX Mai vàng Ngọa Vân Yên Tử cho biết: “Xuất phát từ niềm đam mê, tâm huyết với cây mai vàng, các thành viên vừa thu mua cây mai rừng bị chặt phá, vừa ươm giống, gieo hạt để tạo ra những giống mai thuần chủng. Hiện nay, diện tích trồng mai của các hộ tham gia HTX là hơn 10 ha với trên 8.000 cây mai vàng Yên Tử. Trong đó có khoảng 1.000 cây mai hàng trăm năm tuổi, mỗi cây có giá trị hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương trên 40 người với mức lương ổn định khoảng 5 triệu đồng/người/ tháng”.
Đẩy mạnh trồng mai vàng
HTX đang vận động bà con nông dân quanh vùng cùng nhau nhân rộng giống Mai vàng Yên Tử để lưu giữ giống cây đặc biệt này, không chặt phá mai rừng. Đồng thời, ươm giống, trồng cây mai phát triển thành cây hàng hóa vừa đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển kinh tế cho người dân địa phương.
Ông Đỗ Đức Cảnh, ở thôn Ninh Bình, xã Bình Khê là một trong những thành viên đầu tiên tham gia HTX chia sẻ: “Mỗi tuần, tôi đều cùng các thành viên trong HTX chia sẻ cho nhau kinh nghiệm ươm trồng, gieo hạt, cấy ghép giống Mai vàng Yên Tử. Trước kia, chúng tôi ươm, nhân giống mai một cách tự phát, thiếu tính gắn kết nên hiệu quả không cao. Tham gia HTX Mai vàng Ngọa Vân Yên Tử, chúng tôi thấy làm ăn có hiệu quả hơn và có sự gắn kết với nhau, chăm sóc hỗ trợ nhau về kỹ thuật”.
Trung bình vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 700 cây mai vàng do các thành viên ươm trồng. Mai vàng Yên Tử có giá trị thương phẩm cao trên thị trường. Mai cành có giá từ 300.000 đồng đến 1,5 triệu đồng tùy theo năm tuổi và kích thước, trong khi chậu mai dao động từ 5-7 triệu đồng. Nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm tạo dáng thế cầu kỳ, những cây lâu năm có giá từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh việc xuất bán ra thị trường những cây mai trưởng thành, HTX còn tham gia trưng bày hoa mai ở Quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lễ hội hoa của tỉnh Quảng Ninh...
![]() |
Những chậu mai vàng Yên Tử của HTX tham gia lễ hội hoa do tỉnh Quảng Ninh tổ chức (ảnh T.L) |
Sau thời gian có nguy cơ mai một, những năm gần đây, "Mai vàng Yên Tử" đã được nhìn nhận lại đúng với giá trị độc đáo của mình. Năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức phê duyệt dự án bảo tồn "Mai vàng Yên Tử" với 8,2 tỷ đồng từ ngân sách và vốn xã hội hóa.
Loài cây này cũng đã được công nhận chỉ dẫn địa lý vào năm 2014. Lượng người sưu tầm và chơi mai tăng cao, các hộ dân trồng mai tại khu vực chân núi Yên Tử từ Uông Bí sang Đông Triều cũng từ đó tăng dần lên.
Phương Thảo