![]() |
NLĐ đối mặt với nhiều rủi ro, do không được trang bị BHLĐ |
Tính đến nay, cả nước có hơn 2.000 làng nghề truyền thống và có nghề, thu hút khoảng 14 triệu lao động tham gia. Làng nghề không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao, mà còn đem lại một nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước thông qua việc xuất khẩu các sản phẩm từ làng nghề, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tai nạn luôn rình rập
Làng nghề thu hút được lực lượng lao động đông đảo, tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn cho các lao động làng nghề hiện nay vẫn chưa được chú trọng. Tình trạng TNLĐ, BNN tại các làng nghề thường xuyên xảy ra, do nhiều chủ cơ sở sản xuất không quan tâm đến việc trang bị phương tiện bảo hộ lao động (BHLĐ) cho NLĐ. Thậm chí, chính bản thân NLĐ còn thờ ơ với việc tự bảo vệ mình dẫn đến TNLĐ.
Những làng nghề sản xuất thực phẩm, làm điêu khắc gỗ, đá, môi trường sống đang bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng, do các cơ sở sản xuất chưa xử lý được các chất thải rắn, xưởng sản xuất gây tiếng ồn, bụi, khí thải độc hại… nhưng vẫn chưa được bố trí khu riêng và trang bị hệ thống chống ồn, giảm bụi để giảm ảnh hưởng.
Theo một số liệu thống kê cho thấy, có đến hơn 90% NLĐ nông nghiệp và làng nghề tiếp xúc các yếu tố nóng, bụi, tiếng ồn, tiếp xúc trực tiếp với hóa chất... Chính vì vậy, các nguy cơ về bệnh ngoài da, hô hấp, tiêu hóa, bỏng, đứt tay chân, điện giật luôn chiếm tỷ lệ cao.
Theo đánh giá của ngành chức năng, máy móc sử dụng trong sản xuất tại các làng nghề phần lớn không bảo đảm an toàn. Phần lớn máy móc không có tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn, vận hành an toàn thiết bị. Ngoài ra, còn có các máy tự chế, tự lắp ráp từ các bộ phận cũ, chắp vá, nhiều chi tiết hỏng không được thay thế, sửa chữa... Do vậy, nguy cơ gây ra các vụ TNLĐ là rất lớn.
Làng nghề kim khí xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) chuyên sản xuất các tấm tôn lợp, bản lề, khung nhà xưởng, cuốc, xẻng… thu hút khoảng 5.000 lao động. Thế nhưng, đa phần NLĐ ở làng đều chưa có ý thức trong vấn đề bảo đảm ATVSLĐ, dẫn đến TNLĐ xảy ra khá thường xuyên. Trung bình mỗi năm có trên 100 ca TNLĐ, phổ biến là rách da do tôn cứa, cụt đốt ngón tay…
Còn ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) với khoảng 700 máy dệt. Đây là làng nghề có nguy cơ cháy nổ cao, nhưng hiện chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp lớn được trang bị bình bọt chữa cháy. Còn các hộ gia đình hầu như chưa tự trang bị cho mình dụng cụ để phòng cháy chữa cháy PCCC.
Ai chịu trách nhiệm?
Theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội làng nghề Việt Nam, ông Lưu Duy Dần, đây là thực trạng chung trong việc sử dụng lao động tại hầu hết các DN, HTX, cơ sở sản xuất ở các làng nghề.
Theo Bộ LĐTBXH, đa phần làng nghề ở Việt Nam hầu hết là tự phát, chưa được quy hoạch tập trung, nên tình trạng ô nhiễm, mất ATLĐ trong sản xuất đang trở nên cực kỳ nghiêm trọng.
Hiện nay, hầu hết chủ sử dụng lao động (SDLĐ) tại các làng nghề chưa bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, thậm chí họ đang lợi dụng sự kém hiểu biết của NLĐ để lờ đi. Trong khi đó, về phía NLĐ, họ cũng đang tự đánh mất quyền lợi của mình. Do sự kém hiểu biết, nên hầu hết NLĐ tại nhiều làng nghề đều là lao động “chui”, khi không tham gia đóng BHXH, BHYT.
Theo Cục ATLĐ, hiện nay các DN, HTX và cơ sở sản xuất làng nghề chưa thực hiện việc thống kê TNLĐ, thậm chí còn lờ đi, khiến NLĐ khi gặp tai nạn sẽ rất thiệt thòi, vì không được hưởng chế độ hỗ trợ như BHXH, BHYT.
Việc chăm sóc, bảo đảm sức khỏe cho NLĐ tại các làng nghề rất quan trọng. Đối với lao động tại các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao, việc khám sức khỏe cho NLĐ phải được tiến hành định kỳ hàng năm. Nhất là việc quán triệt cho NLĐ hiểu và tuân thủ các quy định về ATVSLĐđể tự bảo vệ sức khỏe của mình.
A.Dương