Ông Nguyễn Hùng Vỹ - Chủ tịch UBND thị xã An Khê, cho biết: “Đến cuối năm 2018, Song An và Tú An là 2 xã cuối cùng của thị xã về đích nông thôn mới (NTM). Trong lộ trình phát triển, An Khê đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn, tăng cường chính sách hỗ trợ, nhằm thu hút, huy động sự tham gia của các đơn vị kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của các HTX”.
Theo thống kê, thị xã An Khê hiện có 11 HTX hoạt động hiệu quả, tổng số thành viên đạt trên 2.500 người. Về thu nhập, nếu năm 2013, thu nhập bình quân tại khu vực HTX đạt 17 triệu đồng/người/ năm, thì đến năm 2016 là hơn 21 triệu đồng/ người/năm và đến nay đạt trên 30 triệu đồng/ người/năm.
Sức bật từ các HTX
HTX Cửu An 1 (xã Cửu An) được thành lập vào năm 1982 và chính thức hoạt động theo Luật HTX 2012 vào tháng 6/2016. Với mục tiêu tất cả vì quyền lợi của các thành viên và lợi ích chung của tập thể, số lượng thành viên của HTX tăng qua từng năm và hiện đã lên đến con số 404 thành viên.
HTX tập trung vào khai thác diện tích mặt nước ao hồ để nuôi cá, rồi trồng thuốc lá, cây ăn trái và 167 ha lúa của các thành viên. Hiệu quả mang lại đã giúp các thành viên HTX Cửu An 1 ngày
càng gắn kết, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào quá trình xây dựng NTM của xã.
Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2017, HTX Rau an toàn An Bình (phường An Bình) đang trở thành điểm sáng trong thực hiện liên kết với doanh nghiệp để phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, HTX đã có 45 thành viên tham gia, vốn điều lệ trên 300 triệu đồng, diện tích đất sản xuất 17,6 ha với 26 chủng loại rau khác nhau được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Trần An Đình - Giám đốc HTX An Bình, cho hay: “Không chỉ bảo đảm lợi ích cho thành viên, HTX còn tích cực mở rộng sản xuất, góp phần hoàn thiện tiêu chí số 13 (về hình thức tổ chức sản xuất) trong quá trình xây dựng NTM tại địa phương”.
Thực tế chứng minh, sự phát triển của các HTX có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng NTM tại An Khê. Tuy nhiên, để nâng tầm các HTX, việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ cần phải được đẩy mạnh hơn.
Các HTX đang đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng NTM tại An Khê |
Đẩy mạnh sức hút
Trên những cơ sở đạt được, thị xã An Khê đang hướng tới xây dựng mạng lưới HTX kiểu mới bền vững, phát triển toàn diện, tạo sức hút mạnh mẽ hơn với người dân địa phương, đặc biệt với những lao động trẻ, lao động có trình độ cao.
Để hoàn thành mục tiêu, thị xã đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao nội lực cho HTX, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng liên kết HTX - doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực và bảo đảm an toàn cho người lao động là yếu tố cốt lõi.
Ông Trần Văn Thọ - Phụ trách HTX, Phòng Kinh tế thị xã An Khê, cho biết: “Các HTX có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng NTM, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, vì vậy, từ nay tới hết năm 2020, thị xã quyết tâm nâng tỷ lệ lao động trẻ, trình độ cao tại các HTX lên 30%”.
Trong thời gian qua, An Khê liên tục tổ chức, mở rộng các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn cho các HTX. Để thu hút lao động trẻ, trình độ cao, các HTX đang nhận được nhiều chính sách hỗ trợ nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó, nâng cao các điều kiện về lương thưởng, đãi ngộ với thành viên.
Đại diện UBND thị xã An Khê khẳng định trong thời gian tới, cùng với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, địa phương sẽ củng cố các tiêu chí xây dựng NTM. Để làm được điều đó, địa phương rất cần sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, HTX.
Hưng Nguyên