Theo thống kê của UBND xã Tiền Phong, làng nghề Trát Cầu có tổng số 1.200 hộ, trong đó, có trên 80% số hộ làm nghề sản xuất chăn, ga, gối đệm. Trát Cầu được người dân gọi là “làng doanh nghiệp” khi cả làng có đến hơn 60 DN, mỗi DN thường xuyên sử dụng khoảng 20 lao động (chưa kể sản xuất quy mô hộ gia đình).
Phát đạt nghề “bật bông”
Ông Nguyễn Trọng Vinh - Trưởng cụm dân cư số 6 (thôn Trát Cầu), cho biết: “Nghề làm chăn, ga, gối, đệm được gọi chung là nghề “bật bông” đã có truyền thống hàng trăm năm ở Trát Cầu. Kể từ những năm 2000, khi đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu về chăn, gối của người dân tăng cao giúp cho nghề bật bông ở Trát Cầu phát triển nhanh”.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các cơ sở, hộ sản xuất ở Trát Cầu đã nhanh chóng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao sản lượng, chất lượng, mẫu mã của sản phẩm.
Nhờ kinh nghiệm làm nghề “bật bông” lâu đời, cộng thêm sự giúp sức của KH-CN hiện đại, các sản phẩm chăn, ga của làng nghề đang ngày càng được người dùng ưa chuộng.
Anh Nguyễn Hữu Đán - chủ cơ sở sản xuất ở Trát Cầu, chia sẻ: “Lợi thế lớn nhất của địa phương là nguồn nhân lực nông thôn dồi dào, có tay nghề cao, sản phẩm có chất lượng, giá thành hợp lý. Chính nhờ những tiềm năng sẵn có của địa phương, cộng với sự đầu tư mạnh vào máy móc giúp các cơ sở ngày càng phát đạt”.
Theo UBND xã Tiền Phong, làng nghề Trát Cầu hiện có trên 1.000 hộ làm nghề. Nghề chăn ga gối đệm không chỉ mang lại việc làm cho người dân địa phương, mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động từ các xã lân cận và tỉnh khác như Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ… với mức lương bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
![]() |
Một xưởng sản xuất ở Trát Cầu
Ô nhiễm trăm bề
Phát đạt nhờ nghề truyền thống, nhưng những khó khăn trăm bề cũng đang hiện hữu ở Trát Cầu. Dù đã xây dựng cụm công nghiệp làng nghề, Trát Cầu vẫn đang trong tình trạng “quá tải”, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguy cơ cháy nổ cao và tình trạng mất an toàn lao động vẫn chưa được cải thiện.
An toàn cháy nổ là mối lo thường trực ở Trát Cầu. Nguyên liệu và sản phẩm chăn, ga, gối, đệm rất dễ cháy gây hỏa hoạn. Chưa kể, lượng rác thải từ vải và bông vụn chất thành từng núi khiến nguy cơ cháy nổ càng hiện hữu. Đáng lo ngại hơn là vấn đề phòng cháy, chữa cháy tại làng nghề lại chưa được quan tâm.
Ô nhiễm môi trường cũng là một vấn đề đáng ngại tại Trát Cầu. Theo kết quả quan trắc môi trường của các cơ quan chức năng, Trát Cầu lọt “top” những làng nghề ô nhiễm nhất Hà Nội. Nước thải của các cơ sở không qua xử lý thải thẳng ra hệ thống thoát nước trong làng gây tắc nghẽn, bốc mùi.
Thói quen đốt rác thải bừa bãi cũng khiến bầu không khí luôn trong tình trạng đặc quánh, khét lẹt, khó thở, đặc biệt vào những ngày nắng nóng. Tiếng máy sợi, máy dệt hoạt động suốt ngày đêm cũng gây ra tình trạng ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, vấn đề an toàn lao động của công nhân cũng trong tình trạng báo động. Làm việc trong điều kiện ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng công nhân làm việc trong các cơ sở được bảo hộ rất sơ sài, không ủng, không quần áo bảo hộ, thậm chí không có khẩu trang dân dụng.
Chị Lê Thị Mây - quê Phú Thọ, làm nghề bật bông được gần 3 năm, chia sẻ: “Chúng tôi phải tiếp xúc với bụi, sợi bông bay mù mịt, máy chạy inh tai suốt ngày. Biết là bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng không làm thì biết lấy gì sống. Chúng tôi cũng chỉ trông chờ vào các chủ cơ sở sản xuất, các cơ quan chức năng sẽ giúp đỡ, cải thiện môi trường làm việc của chúng tôi được tốt hơn”.
Văn Hiến