Đây là thông tin được ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tại họp báo Công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023, được tổ chức ngày 11/5.
Theo NHNNN, đến nay, 95% tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Trong đó, nhiều TCTD chuyển đổi số ở Top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực đã đạt.
Đáng lưu ý, dịch vụ công của NHNN (cấp chứng thư số cá nhân) đã hoàn thành kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức từ tháng 12/2022. Đến nay, NHNN đã phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng…
Hiện NHNN đang phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát, làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng. |
Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023 có chủ đề thông điệp “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” dự kiến diễn ra vào ngày 18/5/2023.
Theo đó, một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank… đã phối hợp với C06 hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ Căn cước công dân gắn chip trong một số nghiệp vụ như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; Xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM…
Một số ngân hàng như: Vietcombank, MB, PVComBank... đã phối hợp với C06 thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư.
Ngoài ra, tại VietinBank đang triển khai các hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử và đặc biệt là cho vay tín chấp đối với các món nhỏ. Thông qua việc tiếp cận và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngân hàng có thể đánh giá được khả năng trả nợ và đẩy nhanh quá trình phê duyệt khoản vay, góp phần hạn chế tình trạng "tín dụng đen".
Mặc dù vậy, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn thách thức đối với chuyển đổi số ngân hàng trong thời gian tới, đó là thách thức về pháp lý, về nguồn vốn…
Đối với vấn đề pháp lý, ông Tuấn cho biết, chuyển đổi số ngân hàng là thay đổi phương pháp truyền thống sang điện tử. Tuy nhiên, hành lang pháp lý chưa đồng bộ, từ luật giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, định danh. Hiện nay, các bộ ngành đang dần hoàn thiện.
Hai là, việc phối kết hợp các bộ ngành, như việc khai thác chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, hiện đang bước đầu triển khai để thực thi.
Ba là, thách thức từ nguồn lực chuyển đổi số bao gồm: tài chính, nhân lực công nghệ. Theo ông Tuấn, chuyển đổi số ngân hàng "không phải hô khẩu hiệu, phong trào", do đó cần phải có tài chính, con người để thực hiện.
Bốn là, thách thức đến từ xu hướng gia tăng tội phạm. Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho rằng, dù luật có các quy định chặt chẽ, Nghị định hay Thông tư dù có chi tiết nhưng vẫn có điểm tội phạm có thể lợi dụng.
Dù khó khăn, thách thức, tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh, "khó nhưng vẫn phải làm". NHNN đã đánh giá các tác động, hiểu được bức tranh tổng thể và đưa ra một số giải pháp.
Theo đó, thời gian tới, NHNN tiếp tục kiến tạo hoàn thiện thể chế, phấn đấu năm 2023 hoàn thiện các Nghị định; sớm ban hành hành lang pháp lý trong chuyển đổi số; các Thông tư liên quan mở tài khoản mở phát hành thẻ cho vay bằng phương thức điện tử;… Cùng với đó, đảm bảo hệ thống thanh toán quốc gia thông suốt ổn định, không chỉ liên ngân hàng mà còn bán lẻ.
Một điểm quan trọng được Vụ trưởng Vụ Thanh toán nhắc đến, đó là phối kết hợp với Bộ Công an khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông.
Ngoài ra, thúc đẩy chính sách nguồn nhân lực – đây cũng là vấn đề Chính phủ quan tâm. Ông Tuấn cho biết, NHNN tham mưu và có đề xuất chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ chuyển đổi số.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh Trong 3 tháng đầu năm 2023, so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,51% về số lượng; qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 65,55% và 13,31%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 160,71% và 43,84%; qua POS tăng tương ứng 37,57% và 32,09%. Trong khi đó, giao dịch qua ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. |
Thanh Hoa