Vấn đề đảm bảo an toàn trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch điện tử, thanh toán điện tử của khách hàng và các nhà đầu tư trong ngành tài chính ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán vẫn luôn được đặt lên ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, phương thức xác thực đơn thuần bằng tên đăng nhập, mật khẩu, OTP tiềm ẩn nhiều rủi ro, do OTP thực chất vẫn là một dạng mật khẩu và có thể bị đánh cắp.
Để đạt mục tiêu nhanh chóng rời khỏi "vùng trũng" về xác thực, tránh trở thành mục tiêu vừa có giá trị cao vừa dễ bị tấn công của tội phạm mạng, cần có kế hoạch hành động cụ thể, với sự tham gia đóng vai trò dẫn dắt của các cơ quan nhà nước và sự tham gia tích cực của hiệp hội các ngân hàng và doanh nghiệp công nghệ.
"Chữ ký số là giải pháp được quốc tế và Việt Nam công nhận về tính pháp lý, có thể giải quyết triệt để các nguy cơ an ninh trong giao dịch trực tuyến, đặc biệt là giao dịch ngân hàng điện tử", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, chữ ký số tương đương chữ ký tay, có các thuộc tính định danh, xác thực đúng nguồn gốc, đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu nhận được và chống chối bỏ.
Chữ ký số là xu hướng tất yếu trong lĩnh vực xác thực điện tử
Công nghệ chữ ký số được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chú trọng khi ngân hàng này có trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống hạ tầng khóa công khai (PKI) ứng dụng trong lĩnh vực chữ ký số với Đoàn chuyên gia Hàn Quốc, trong đó có Cơ quan chứng thực thông tin Hàn Quốc (KICA)..
Agribank đang nghiên cứu áp dụng chữ ký số/chữ ký điện tử an toàn, nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch điện tử trong quá trình chuyển đổi số. |
Ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực Công nghệ thông tin Agribank cho biết, công nghệ chữ ký số là xu hướng tất yếu của các ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực xác thực điện tử. Và Agribank sẵn sàng tiên phong “đón đầu” trong lĩnh vực công nghệ này.
“Ngân hàng lõi (core banking) của Agribank đang sử dụng phần mềm của Hàn Quốc. Ngân hàng đã xây dựng đề án chiến lược công nghệ thông tin năm 2022 - 2026 cũng như đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực điện tử. Trong thời gian qua, với nỗ lực tăng cường đầu tư vào chuyển đổi số, lĩnh vực công nghệ thông tin của Agribank đã đáp ứng hiệu quả trong các hoạt động của ngân hàng”, ông Tơn chia sẻ.
Đại diện Agribank cũng thông tin, Ngân hàng đang ứng dụng chữ ký số trong nội bộ là chủ yếu. Theo Luật Giao dịch điện tử sẽ có hiệu lực vào năm tới, Agribank đang nghiên cứu áp dụng chữ ký số/chữ ký điện tử an toàn, nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch điện tử trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, Ngân hàng mong muốn được học hỏi, áp dụng kinh nghiệm từ quốc tế để có thể tìm ra những dịch vụ thuận tiện nhất cho người dùng.
Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đánh giá, ngân hàng là đối tượng sử dụng dịch vụ nhiều nhất trong các vấn đề liên quan đến ứng dụng kỹ thuật công nghệ chữ ký số, trong đó Agribank là ngân hàng có quy mô gần như lớn nhất ở Việt Nam. Do đó, mong muốn Agribank chia sẻ về nhu cầu nâng cấp dịch vụ công nghệ và cơ hội phát triển ứng dụng chữ ký số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam.
Chuyên gia Hàn Quốc cho biết thêm, các ngân hàng tại quốc gia này đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực giao dịch tài chính, họ luôn có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cao nhất trong dịch vụ dành cho khách hàng. Hàn Quốc đã ứng dụng hệ thống hạ tầng khóa công khai vào các hoạt động giao dịch nội bộ, hợp tác với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA công cộng) để cung cấp các dịch vụ tin cậy dành cho khách hàng.
Lợi ích của việc sử dụng chữ ký số từ các CA công cộng là khách hàng có thể dùng chữ ký số của một CA cho nhiều ngân hàng cũng như các dịch vụ công, từ đó giảm thiểu chi phí và thời gian cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch điện tử.
Nhiều vướng mắc trong sử dụng chữ ký số tại ngân hàng
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), hiện tại, hầu hết chữ ký số mới chỉ được sử dụng trong các giao dịch nội bộ ngân hàng hoặc giao dịch của các doanh nghiệp mà chưa áp dụng rộng rãi đến với khách hàng cá nhân - vốn chiếm đa số trong các giao dịch của các ngân hàng.
Theo báo cáo sơ bộ của các ngân hàng, chỉ có khoảng 5% tổng số khách hàng giao dịch là đã có và đang sử dụng chữ ký số.
“Việc áp dụng chữ ký số với các giao dịch ngân hàng, bao gồm một lượng lớn các giao dịch giá trị nhỏ có thể làm hệ thống trở nên nặng nề và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, vốn đòi hỏi tốc độ xử lý nhanh”, ông Hùng nói.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó chủ nhiệm CLB Pháp chế của VNBA cũng đánh giá, có nhiều vướng mắc trong việc sử dụng chữ ký số của người dùng tại ngân hàng, như chi phí, sự tiện lợi và tin tưởng.
Người dùng Việt cũng chưa quen với việc ký số, quan ngại về giá trị pháp lý của phương thức này, nhất là khi xảy ra tranh chấp. Điều đó dẫn đến việc khách hàng không yên tâm khi nhận được văn bản sử dụng chữ ký số của ngân hàng", bà Phương nói.
Ngoài ra, việc ứng dụng chữ ký số cũng gặp thách thức trong giao dịch với đối tác nước ngoài, khi các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số trong và ngoài nước có nhiều điểm khác biệt.
Theo đó, để giải quyết vướng mắc và không gây gián đoạn các giao dịch điện tử khi Luật có hiệu lực vào tháng 7 năm tới, bà Phương đề nghị các cơ quan liên quan cần sớm ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn Luật về các nội dung như: điều kiện kỹ thuật cụ thể để được cấp chứng nhận chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo an toàn, làm rõ thêm về giá trị pháp lý của chữ ký số cấp cho người đại diện…
TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng nhận định, để phát triển chữ ký số, phía đơn vị cung cấp giải pháp chữ ký số cần tăng cường đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Đồng thời, việc đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, chuyển đổi mọi hoạt động thanh toán trực tiếp lên môi trường mạng, tăng cường tuyên truyền về Luật Giao dịch điện tử năm 2023… cũng là một số giải pháp được các chuyên gia đề xuất.
Thanh Hồng