Sự phát triển của Amazon vào cuối những năm 1990 và cho đến ngày nay là một ví dụ điển hình cho tăng trưởng thần tốc.
Vào năm 1996, trước khi phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên, Amazon có 151 nhân viên cùng với doanh thu 5,1 triệu đô la. Đến năm 1999, Amazon đã mở rộng quy mô lên đến 7.600 nhân viên và tạo ra mức doanh thu 1,64 tỷ đô la. Đó là sự tăng trưởng gấp 50 lần về số lượng nhân viên và 322 lần về doanh thu chỉ trong vòng ba năm.
Theo số liệu mới nhất, năm 2018, Amazon có 647.500 nhân viên và doanh thu 232.887 tỷ đô la. Sự tăng trưởng với một tốc độ thần kỳ như Amazon là không thể tưởng tượng!
Chẳng có doanh nhân hay nhà sáng lập nào lại muốn bỏ qua cơ hội xây dựng một Amazon, Facebook, hoặc Airbnb thứ hai. Tuy nhiên, những người thực sự có thể làm được điều đó lại vô cùng hiếm. Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt giữa các công ty khởi nghiệp nhanh chóng lụi tàn và biến mất với những doanh nghiệp sau này đã trở thành những gã khổng lồ trên toàn cầu?
![]() |
“Tăng trưởng thần tốc” (blitzscaling) : cuốn sách kim chỉ nam cho khởi nghiệp (Ảnh Internet) |
Bí quyết nằm ở chính phương pháp blitzscaling do Reid Hoffman và Chris Yeh đưa ra – một chuỗi những kỹ thuật nhằm mở rộng doanh nghiệp với tốc độ chóng mặt, đạp đổ đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường. Mục tiêu của phương pháp này không phải là đi từ 0 đến 1, mà là từ 0 đến 1.000.000 theo cách nhanh nhất có thể.
Tốc độ và sự kết nối của Internet đã tạo ra một số tác động thứ cấp, làm thay đổi cách thức phát triển của doanh nghiệp và tổ chức. Đặc biệt, "hiệu ứng mạng" ngày càng phổ biến và là yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng bùng nổ theo cấp số nhân của các sản phẩm, dịch vụ. Tuy vậy, tốc độ cũng trở thành một trong những thách thức quyết định thành bại của một doanh nghiệp.
Tỷ phú công nghệ Bill Gates nhận định: "Cơ hội để hành động thực sự rất nhỏ và trong chớp mắt. Sự chần chừ chỉ trong vài tháng có thể tạo nên sự khác biệt đáng kể giữa người dẫn dắt thị trường và kẻ chạy theo thị trường".
Hiểu được điều này, hai tác giả Reid Hoffman và Chris Ye đã viết cuốn sách "Tăng trưởng thần tốc" để giúp các doanh nghiệp phát triển một cách nhanh nhất.
Đối với Reid Hoffman và Chris Yeh, trọng tâm của "Tăng trưởng thần tốc" nằm ở 3 phần: Đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh, đổi mới sáng tạo về mặt chiến lược và đổi mới sáng tạo về mặt quản lý. Tuy vậy, khi các doanh nghiệp, start-up phát triển với một tốc độ cao, để đạt được các cấp độ tiếp theo, các chiến lược phải trở nên rất khác biệt so với các chiến lược trước đó, từ việc thiết kế mô hình kinh doanh để tăng trưởng đột phá, đến việc xây dựng chiến lược tuyển dụng và quản lý khi công ty, xác lập vai trò của người sáng lập đến phát triển truyền thông và văn hóa công ty.
Xuyên suốt cuốn sách, Reid Hoffman và Chris Yeh kể những câu chuyện hấp dẫn về các công ty đã từng tăng trưởng thần tốc khác nhau. Đó là câu chuyện vươn mình để phát triển và vượt qua thách thức từ các đối thủ cạnh tranh của các start-up sơ khai để trở thành công ty tỷ đô trong thời gian ngắn như Tesla, Netflix, Paypal, Zara, Tencent, Slack…
"Tăng trưởng thần tốc" đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Tuy vậy, nó không phải là câu chuyện ngoài lề với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác. Trong đó, câu chuyện của hãng bán lẻ thời trang Zara là một ví dụ điển hình của việc một doanh nghiệp ngoài ngành công nghệ cao có thể vận dụng các kỹ thuật tăng trưởng thần tốc.
Đây chính là cuốn sách dành cho bất kỳ ai muốn hiểu các kỹ thuật, cho phép một doanh nghiệp phát triển từ con số không trở thành công ty tỷ đô dẫn đầu thị trường. Bất kể bạn là một nhà sáng lập, một nhà quản lý, một nhân viên tiềm năng hay một nhà đầu tư, cuốn sách này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn trong một thế giới mà tốc độ là lợi thế cạnh tranh then chốt.
Vũ Trọng