![]() |
Bài viết này của chính Justin sẽ cho độc giả biết lý do vì sao anh rời khỏi thủ phủ công nghệ toàn cầu để đến với dải đất hình chữ S nhỏ bé ở Đông Nam Á.
Đến Việt Nam những ngày này, bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều cần cẩu bên những tòa nhà chọc trời đang gấp rút được thi công. Những điều này như một biểu tượng minh chứng cho sự hứa hẹn và tham vọng thịnh vượng của đất nước và con người Việt Nam. Và bản thân tôi, tôi tin rằng đất nước Việt Nam, nơi tôi được sinh ra, đang vươn mình để sẵn sàng trở thành một trung tâm công nghệ tiếp theo, cho ra đời những công ty khởi nghiệp có thể trở thành những công ty quốc tế.
Tại dải đất hình chữ S nhỏ bé này, các công ty khởi nghiệp mới, các vườn ươm và chương trình gia tốc khởi nghiệp, cùng những nhà xây dựng dự án đầu tư liên doanh đều xuất hiện mỗi ngày. Nguồn năng lượng thực sự đầy mê hoặc bởi vì Việt Nam có tất cả những thành phần cần thiết cho một sự bùng nổ về đổi mới sáng tạo, đó chính là một dân số trẻ, có giáo dục cùng lượng kiều bào trở về đáng kể phục vụ như một chất xúc tác. Tôi tin điều đó là một phản ứng chuỗi trong hoạt động phát triển của đất nước này. Để tôi phân tích rõ hơn cho các bạn thấy.
Hiệu ứng Việt Nam
Mặc dù là một quốc gia còn nghèo, với GDP bình quân đầu người là 2.100 USD, nhưng Việt Nam có tỷ lệ người biết chữ tới 94,5%. Do đó, tuy mức GDP tương đối thấp nhưng quan trọng hơn, khi bắt đầu bước vào đấu trường kinh doanh, Việt Nam đã có những điểm tốt trong các lĩnh vực toán học và khoa học. Nhìn vào các cuộc thi quốc tế bạn sẽ thấy số sinh viên Việt Nam dành được huy chương cao nhất không hề ít, nhất là với môn toán. Điều đó khiến sinh viên Việt Nam trở nên ấn tượng đến mức các nhà nghiên cứu đang cái mà họ gọi là “hiệu ứng Việt Nam” - những điểm số mà không ai có thể dự đoán nổi nếu dựa trên GDP của quốc gia này.
Hiệu ứng phương Tây
Để biến công ty thành một công ty công nghệ quốc tế, bạn thực sự cần hiểu về các nền văn hóa và thị trường phương Tây. Việt Nam với tỷ lệ dân số chưa tới 1/6 dân cư của khu vực nhưng lại chiếm gần một nửa số sinh viên đại học và cao đẳng của khu vực ở Mỹ. Năm 2016, Việt Nam gửi 21.403 sinh viên tới Mỹ, nhiều hơn cả số sinh viên đến từ Indonesia, Philippines và Thái Lan gộp lại, theo Viện Giáo dục Quốc tế (Mỹ). Trong khi đó, một lượng lớn từ cộng đồng Việt kiều ở hải ngoại, sau khi sang nhập cư những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, đang quay trở lại và mở ra các công ty công nghệ tại Việt Nam. Và để làm được như vậy, những Việt kiều đó đều có sự trải nghiệm độc đáo về việc tạo nên được hai nền văn hóa thực sự, hiểu rõ cả về văn hóa phương Tây và phương Đông.
Và đây chỉ là một vài ví dụ từ những người mà tôi tình cờ biết trên phương diện cá nhân nhờ cộng đồng công nghệ liên kết chặt chẽ của Việt Nam:
• Bình Trần, nhà đồng sáng lập của Klout có trụ sở ở San Francisco, đã chuyển về làm việc bán thời gian tại Việt Nam. Anh hiện giờ là đối tác liên doanh của 500 Startups Vietnam.
• Henry Nguyễn, người đã lớn lên ở Virginia, cũng đã trở về Việt Nam là hiện đang là đối tác quản lý chung tại IDG Ventures.
• Sonny Vũ, nhà đồng sáng lập của Misfit (công ty đã được Fossil mua lại), hiện hoạt động trên cương vị nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm CTO của Fossil Group - Connected Devices. Anh đã thâm nhập sâu vào giới kỹ sư tài năng ở đây trong khi xây dựng công ty và hiện đã quay trở lại.
Việt Nam đang khuyến khích những động thái này với chương trình cấp thị thực thoải mái hơn và tạo cơ hội cho những người trở lại về khả năng lấy lại quyền công dân. Do đó, nếu những người đó không quay về vì lĩnh vực khoa học, rõ ràng họ trở về vì lĩnh vực kinh tế. Cộng đồng Việt kiều ở hải ngoại đã gửi về Việt Nam 13,4 tỷ USD tiền cá nhân của họ trong năm 2016 so với 1,3 tỷ USD năm 2000, theo Ngân hàng Thế giới.
Tuổi trẻ
Việt Nam cũng đang vươn mình lên đơn giản bởi vì quốc gia này một lực lượng công dân trẻ tuổi. Theo dữ liệu năm 2010 từ CIA, 85% dân số Việt Nam ở độ tuổi 54 hoặc trẻ hơn, và một nửa dân số ở mức 30 tuổi hoặc trẻ hơn. Do đó, có rất nhiều dư địa cho sự tăng trưởng ở cả thị trường và nguồn nhân tài.
Những con số khác
Việt Nam cũng có thể có lợi thế Goldilocks (vành đai xanh). Sự cạnh tranh của khu vực để vươn ra quốc tế có vẻ như rất khốc liệt nhưng nếu bạn nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy quốc gia này có thể được kéo lên trước bởi vì nó không quá lớn hay quá nhỏ.
Với dân số khoảng 260 triệu người, Indonesia là nước đông dân nhất Đông Nam Á. Quốc gia này lớn tới mức rõ ràng những công ty tỷ đô chỉ có thể tập trung phục vụ cho mỗi người Indonesia. Trong khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt nên các công ty ở đây sẽ chỉ tập trung được vào thị trường nội địa.
Mặt khác, Singapore, với mức GDP bình quân đầu người gần 53.000 USD, là “phương Tây” theo cách riêng của mình trong khi dân số chỉ hơn 5 triệu người nên các doanh nhân nước này hoàn toàn tự nhiên là đều có mục tiêu hướng ra quốc tế. Tuy nhiên, có lẽ do đặc thù độc đáo và ảnh hưởng của Singapore trong lĩnh vực địa chính trị của khu vực nên quốc gia này có xu hướng mở rộng ở khu vực hơn là ra cả châu Á.
Và chính chỗ đó là dành cho Việt Nam. Với hơn 90 triệu dân, quốc gia này hiện có dân số đông thứ 15 trên thế giới. Nhưng với tầng lớp trung lưu nhỏ (mặc dù tăng nhanh), các công ty công nghệ ở đây đều biết rằng họ phải vượt qua được biên giới của Việt Nam để trở thành những chú kỳ lân khởi nghiệp - unicorn. Việt Nam, dù không giống như Singapore, nhưng vẫn hướng đến phương Tây và đất nước này đang có cả kỹ năng và động lực để làm được như vậy.
Mộc Miên