Chị Huệ sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nên đã có sẵn trong mình tính cần cù chịu thương chịu khó, ham tìm tòi học hỏi kinh nghiệm và tích cực tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương. Năm 2007, chị tham gia công tác hội phụ nữ với vai trò là Chi hội trưởng. Mặt khác, chị luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm để ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Mạnh dạn khởi nghiệp
Mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình mới, chị thuyết phục chồng đốn hết 16.000m2 trồng xoài và thay vào đó là 1.600 gốc chanh không hạt. Sau 18 tháng, chanh cho trái, giúp chị thu hoạch được khoảng 10 tấn chanh, bán với giá 12.000 – 22.000 đồng/ kg, tổng thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.
Chị Huệ cho biết chanh là loại cây dễ trồng, tuy tán dày đặc, cành có gai nhưng cũng không khó để chăm sóc. Người trồng chanh không cần học hỏi kỹ thuật phức tạp mà chỉ lưu ý nhiệt độ, ủ gốc khi gặp nắng hạn, vì nhiệt độ rất quan trọng cho sự sinh trưởng và phát triển của cây, chất lượng của trái.
Cây chanh tuy cần nhiều nước vào thời kỳ ra hoa, kết quả, nhưng không hợp ngập nước. Vì vậy, đất luôn được giữ tơi xốp, thông thoáng, tránh trồng ở đất thấp trũng, trường hợp đất thấp phải xẻ rãnh lên luống.
Khi gia đình trồng chanh có hiệu quả, chị bắt đầu vận động chị em hội viên trong ấp tham gia. Với ý tưởng này, năm 2011, CLB trồng chanh không hạt ra đời với 10 thành viên, diện tích trồng khoảng 3,4ha. Khi tham gia CLB, các thành viên hỗ trợ nhau cây giống, được tham dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật và tìm đầu ra cho nông sản.
Đến tháng 10/2014, CLB Chanh không hạt thu hút được 24 thành viên tham gia với diện tích trồng gần 9ha. Đây là tiền đề để tháng 11/2015, chị Huệ đứng ra thành lập HTX Chanh không hạt với vốn điều lệ 300 triệu đồng. 25 thành viên HTX cùng tham gia trồng chanh trên diện tích 12ha. Đến năm 2017, HTX Chanh không hạt mở rộng diện tích lên 15ha.
Chị Phạm Thị Bé Năm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trường Long, cho biết: “Việc thành lập các mô hình kinh tế, các mô hình HTX là hướng đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước là giúp cho các hội viên thoát nghèo. Thành lập HTX đã khó, nhưng duy trì và phát triển còn khó hơn, đòi hỏi cần phải có sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và sự tâm huyết của của các thành viên”.
Chị Huệ chăm sóc vườn chanh không hạt |
Vai trò giám đốc HTX
Ông Tạ Quang Khiêm, một trong những hộ trồng chanh không hạt thành công ở xã Trường Long, chia sẻ: Ban đầu, gia đình ông cũng ngần ngại khi thực hiện mô hình mới. Tuy nhiên, thành công của các hộ lân cận cùng vốn đầu tư ít đã giúp ông mạnh dạn phá bỏ vườn tạp chuyển sang trồng chanh không hạt. Kết quả đạt hơn mong đợi, 200 gốc chanh trồng với mật độ thưa, thường xuyên chăm sóc phá lá, năng suất đạt gần 700kg quả mỗi vụ, thu nhập hàng năm gần 100 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây chanh không hạt, nhiều người dân trong xã cũng bắt đầu chuyển hướng sang trồng chanh. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, mỗi hộ có một quy trình sản xuất khác nhau, nên chất lượng sản phẩm không đồng đều và khó bảo đảm lượng hàng lớn khi doanh nghiệp yêu cầu. Các hộ trồng chanh không hạt chủ yếu bán hàng cho thương lái, nên giá cả không ổn định.
Trước thực tế đó, để giải bài toán đầu ra, chị Huệ đã tới “gõ cửa” các chuyên gia để nâng cao chất lượng cây trồng, tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau khi kết nối được với các đơn vị bao tiêu quả chanh, các thành viên HTX cho biết giá chanh thường cao vào mùa hè và khá ổn định do chanh được thu mua để xuất khẩu sang châu Âu và một số nước châu Á.
Khi thu mua, các thương lái thường phân chanh thành 4 loại, từ loại 1 đến loại 4. Chanh loại 1 vỏ có màu xanh đậm, đều màu và không bị sần sùi, giá 19.000 – 22.000 đồng/kg. Mức thu nhập bình quân đã tăng lên đạt 32 triệu đồng/ ha khiến thành viên rất phấn khởi, yên tâm gắn bó với HTX.
Ngoài việc gánh vác trọng trách trong HTX, chị Huệ còn tích cực tham gia các phong trào thi đua của Hội như “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, mô hình “5 không, 3 sạch”, tổ phụ nữ tiết kiệm, vận động xã hội hóa xây dựng 4 căn nhà tình thương tổng trị giá 120 triệu đồng. Qua đó, chị đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.
Với những đóng góp đó, chị Nguyễn Thị Huệ là một trong những tấm gương sáng trong phong trào Phụ nữ chung tay phát triển nông thôn mới tại địa phương. Chị đã vinh dự được nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2014, 2016), Danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc 5 năm tiêu biểu toàn quốc”, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017 của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và nhiều giấy khen khác.
Hoàng Lê