Chị Nguyễn Thị Hà thuộc thế hệ 8x. Trước khi trở thành Giám đốc HTX Thụy Hương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) chị làm kế toán cho một doanh nghiệp nhà nước.
Những năm gần đây, thấy người dân bỏ ruộng không canh tác ngày càng tăng, chị Hà quyết định nghỉ việc về quê thành lập HTX, đồng hành cùng nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Một vùng - một giống một thời gian
Để bắt đầu công cuộc cùng nông dân cơ giới hóa đồng ruộng, lãnh đạo HTX đã mạnh dạn đầu tư 4 máy cấy, 2 máy gặt, 1 giàn gieo mạ và 4,6 vạn khay gieo… với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng.
Vụ sản xuất đầu tiên, người dân địa phương chưa tin tưởng phương pháp mạ khay cấy máy của HTX, còn những hoài nghi về năng suất, hiệu quả. Nhưng chỉ sau vụ mùa năm 2017, trước những thành công mà HTX đem lại, người dân đã dần tin tưởng và “ủy thác” việc gieo cấy những vụ sau cho HTX.
Mạ khay, cấy máy góp phần hình thành những cánh đồng mẫu lớn “một vùng - một giống - một thời gian, sử dụng cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí đầu tư cho nông dân. Với phương pháp gieo cấy truyền thống, để có đủ mạ cấy cho một sào ruộng (360 m2), người dân mất 2 - 2,5kg thóc giống.
Còn phương pháp gieo mạ khay chỉ tốn 1 - 1,5kg giống. Bên cạnh đó, người dân giảm được công chăm sóc, vì trong quá trình làm mạ khay HTX phải ủ giá thể, tiến hành xử lý mầm bệnh, bảo đảm giống nảy mầm 100% với bộ rễ khỏe chịu rét, chịu hạn, ít sâu bệnh.
“Để nông dân hiểu và nhận ra lợi ích của phương pháp mới, HTX đã mất gần 1 năm tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức từ người dân”, Giám đốc Nguyễn Thị Hà chia sẻ.
Ông Phạm Văn Khang - Trưởng thôn làng Phương Đôi, cho biết phương pháp canh tác mới của HTX đem lại hiệu quả rõ rệt, cấy thưa giúp cây phát triển tốt nhận được nhiều ánh sáng, lúa đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh. Cấy máy nông giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng tốt, phân bón không bị rửa trôi, tiết kiệm chi phí… Năng suất tăng khoảng 15% .
Giám đốc Nguyễn Thị Hà trao đổi kinh nghiệm gieo mạ khay với Trưởng thôn thôn Phương Đôi |
Đẩy mạnh trồng và bao tiêu lúa hữu cơ
Tiếng lành đồn xa, vụ chiêm 2019, HTX có hơn 400 ha cấy theo phương pháp mới. Không chỉ có nông dân địa phương tin tưởng, HTX còn phục vụ người dân ở nhiều tỉnh khác như Thái Bình, Hải Dương…
HTX đang trực tiếp canh tác và hướng dẫn nông dân cách trồng lúa hữu cơ (không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu…). Tổng số diện tích lúa hữu cơ được HTX liên kết với nông dân trồng và bao tiêu là 130 ha (chủ yếu thuộc hai xã Ngũ Phúc và Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy). Giá bao tiêu là 8.000 đồng/kg thóc tươi.
Bên cạnh diện tích liên kết với nông dân, HTX còn ký hợp đồng thuê lại phần diện tích bỏ hoang không canh tác của người dân (gần 25 ha) để trồng lúa hữu cơ.
Một số huyện tại Hải Phòng có diện tích đất nông nghiệp thuộc vùng trũng khó canh tác, người dân thường bỏ cấy để “săn rươi” (đặc sản của một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng).
Đối với những phần diện tích này, HTX vận động nông dân cấy lúa hữu cơ vụ chiêm và “săn rươi” vào vụ mùa vừa nâng cao thu nhập, cải tạo ruộng đất góp phần tăng sản lượng rươi.
Lúa tươi hữu cơ sau khi thu hoạch được HTX sấy khô, rồi say sát tạo ra sản phẩm gạo an toàn, bán ra thị trường. Một phần gạo an toàn được HTX liên kết với các đơn vị khác ở Bắc Ninh, Phú Thọ làm ra các sản phẩm sạch như bún, bánh chưng, chè lam gạo nếp ruộng rươi, dấm gạo nếp ruộng rươi… Những sản phẩm này có truy xuất nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, hiện đang được thị trường ưa chuộng.
Ông Nguyễn Hữu Quân - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kiến Thụy, cho biết: “Dù mới thành lập và đi vào hoạt động được hơn 1,5 năm nhưng HTX Thụy Hương đã gặt hái được những kết quả tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới nên nhân rộng”.
Thanh Vân