Theo lời kể của bà Trịnh Lan Phương, Bibo Mart được hình thành từ năm 2006 với số vốn chỉ 130 triệu đồng. Đến cuối năm 2016, doanh nghiệp đã được định giá là 142 triệu USD, mục tiêu đến cuối năm 2017 đạt trên 100 triệu USD doanh thu.
Bibo Mart thành công như vậy tất cả đều từ sự học hỏi không ngừng của bà Phương và toàn bộ đội ngũ Bibo Mart.
Thành công đến từ sự học hỏi
Ban đầu, khi mới thành lập, Bibo Mart rất khó khăn, không có các nguồn lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm, con người. Lúc đó, bà phải học hỏi không ngừng, bởi vì “không có ai giúp mình thì mình phải tự giúp mình”.
Bà vừa là giám đốc kiêm luôn kế toán, nhân sự, kinh doanh, marketing… và những nhân viên của Bibo Mart lúc đầu chỉ là những nhân viên bán hàng, vì vậy bà phải không ngừng học hỏi để đào tạo họ.
“Vào năm 2014, tôi có cơ hội tiếp xúc với một số chuyên gia nước ngoài và có cơ hội được học hỏi những kinh nghiệm quý báu. Bibomart được tiếp xúc với triết lý gọi là landmark, đây là khóa đào tạo của đội ngũ chuyên gia nước ngoài. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có khóa đào tạo này”, bà Phương kể.
Chính triết lý đó đã giúp bà khai thác được khả năng tiềm ẩn của đội ngũ nhân sự, xây dựng được tầm nhìn, từ đó xác định nên được các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, trung hạn, xác định được các nguồn lực.
Khóa học đó còn giúp bà khám phá được những năng lực của bản thân và vận dụng vào trong công việc, làm chủ được bản thân, quản lý được nhân viên và làm chủ được chính con đường đi của mình…
“Những điều đó đã thay đổi toàn bộ con người tôi, thay đổi cả văn hóa của doanh nghiệp, thay đổi cả nhận thức, suy nghĩ của toàn bộ đội ngũ nhân viên Bibo Mart. Chính sự thay đổi bên trong đó đã dẫn đến thay đổi ra bên ngoài, đem đến thành công cho Bibo Mart”, bà Phương tâm sự.
Bản thân bà cũng là người nghiên cứu đạo Phật. Từ những triết lý của Phật, bà đã rút ra được nhiều bài học trong cuộc sống.
“Đối với tôi, tất cả những gì xảy ra với mình đến ngày hôm nay đều là do luật nhân quả, gieo nhân nào thì gặp quả đó”, bà Phương tổng kết.
Bà Trịnh Lan Phương, chủ tịch HĐQT - TGĐ Bibo Mart
Chính vì thế mà Bibo Mart được các những chuyên gia hàng đầu về giúp đỡ như ông Henry Neilson, cựu CEO của Walmart, người có hơn 40 năm với thị trường bán lẻ châu Á; ông Mahes, hiện là COO của Bibo Mart, người có kinh nghiệm quản lý chuỗi 7-Eleven ở Singapore trong gần 30 năm qua…
Chia sẻ kinh nghiệm, bà nói những người khởi nghiệp đừng sợ sai, đừng sợ thất bại, quan trọng là biết kiên nhẫn, đi đến cùng và phải có sự chuẩn bị tốt về nguồn lực. Hơn nữa, bản thân phải là một người có khát khao học hỏi và sau đó phải là một người thầy truyền lửa đến mọi người.
Văn hóa là chìa khóa thành công
Khi mà quy mô của doanh nghiệp còn nhỏ thì chúng ta chưa nhìn thấy tầm quan trọng của văn hóa nhưng khi mà quy mô lớn như Bibo Mart, với hơn 2.400 nhân sự, làm cách nào mà toàn bộ những con người ấy có cùng một cách nghĩ, một cách làm, cách ứng xử? Đó chính là nhờ văn hóa doanh nghiệp.
Nhiều người hình dung văn hóa doanh nghiệp là vui chơi, nhảy múa, phong trào nhưng theo chia sẻ của bà Lan Phương, văn hóa doanh nghiệp hoàn toàn khác.
Văn hóa trước hết là xuất phát từ người chủ doanh nghiệp, xuất phát từ sứ mệnh, mong muốn mang đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng, cho khách hàng, và những người xung quanh.
Từ đó, xác định được những giá trị cốt lõi, những quy tắc ứng xử. Mình phải là người nêu tấm gương về hành xử, chia sẻ đến mọi người để đồng nhất với nhau từ cách nghĩ đến cách ứng xử, trở thành văn hóa của doanh nghiệp.
Mọi người tuy có đến từ mọi vùng miền khác nhau, cách nghĩ, cách sống khác nhau nhưng doanh nghiệp phải luôn có một quy tắc chung để mọi người định hình được cách nghĩ, cách làm của từng cá nhân.
Nếu tất cả có những cách nghĩ, cách hành động đều xuất phát từ sự tử tế thì chắc chắn sẽ hình thành một tổ chức tận tâm và sẽ thu hút được sự ủng hộ của mọi người, từ bên trong đến bên ngoài.
“Văn hóa của Bibo Mart được xây dựng trên landmark, đắc nhân tâm và đạo Phật, rất có chiều sâu và rất mạnh”, bà Phương nhấn mạnh.
“Ví dụ, khi bị đối thủ cạnh tranh tấn công, toàn thể Bibo Mart sẽ đứng ra bảo vệ. Tuy nhiên, chúng tôi không lấy oán báo oán, mà lấy ân báo oán, để cả đội ngũ của bên trong và cả các đối thủ cạnh tranh cũng nhìn nhận chúng tôi là những người kinh doanh tử tế”, bà Phương cho biết.
Điều cuối cùng, theo chia sẻ của bà Phương, là doanh nhân trẻ đừng ngại thất bại, kiên trì đến cùng, sai đến đâu sửa đến đó, sau mỗi lần ngã thì phải đứng dậy thật nhanh, rút ra bài học từ những lần vấp ngã đó để lần sau không gặp phải.
Tiến Dũng