Giữa những khó khăn, vất vả, áp lực của cuộc sống, con người ta cứ quần quật chẳng có nhịp nghỉ, họ lại khao khát mong muốn tìm được cho mình một người bầu bạn, một ai đó có thể lắng nghe hết mọi buồn phiền, chật vật. Thế nhưng, trong cuộc sống đô thị hiện tại để tìm được sợi dây liên kết "chữa lành" tâm hồn người với người không phải là điều dễ dàng.
Không ít người không "thu" được tần số tâm lý phù hợp từ các đối tượng đồng loại khác. Họ chẳng có cảm giác yêu thương, gần gũi, chia sẻ với nhau. Bởi vậy, theo xu hướng mới, con người ta lại chuộng việc nuôi thú cưng để làm phong phú đời sống tinh thần của mình. Với các bạn bốn chân ấy, họ rất hứng thú, có thể ôm ấp, vuốt ve, tâm tình, hoặc tán tỉnh cả ngày!
“Khách sạn” dành cho mèo gồm 25 phòng sang chảnh và luôn kín chỗ trong dịp Tết. |
Và cũng chính bởi lý do này mà ngày càng có nhiều người đầu tư cho thú cưng của mình, nó không chỉ dừng lại ở thức ăn bổ dưỡng, những chiếc ổ di động, bát đựng cơm riêng biệt, cả rất nhiều món đồ chơi, phụ kiện nữa, và làm đẹp cho thú cưng. Từ đó, nhiều bạn trẻ có tình yêu với thú cưng đã khởi nghiệp thành công từ mô hình dịch vụ chăm sóc, “khách sạn” lưu trú cho thú cưng.
Bắt nguồn từ tình yêu thú cưng
Tuyết Nhi kể: “Từ nhỏ, tôi đã rất thích nuôi chó mèo, nên khi vào đại học quyết tâm thi vào chuyên ngành Thú y của Đại học Cần Thơ. Trong quá trình học, làm sinh viên, tôi cũng nuôi một con chó và một con mèo. Nhưng mỗi lần về quê hay đi thực tập, tôi rất vất vả tìm chỗ trông nom, chăm sóc hộ. Từ chính nhu cầu của bản thân, tôi đã có ý tưởng làm khách sạn cho chó mèo. Tiêu chí là yêu thương thú cưng của khách như của chính bản thân mình”.
Ngay sau khi tốt nghiệp với tấm bằng bác sĩ Thú y, ý tưởng khởi nghiệp của cô gái trẻ không chỉ dừng lại ở chăm sóc sức khỏe cơ bản cho động vật. Ngược lại, Tuyết Nhi quyết định mở cơ sở chăm sóc sắc đẹp và lưu trú dành cho thú cưng ngay tại nhà riêng.
Với thu nhập tốt và lượng khách tăng đều, cô gái trẻ dự định sẽ mở thêm chi nhánh trong năm nay. |
“Từ những nhu cầu của bản thân, tôi biết được khi mình gửi thú cưng cần những gì. Giữ cho không gian sạch đẹp là tiêu chí hàng đầu, từ đó, tôi lên ý tưởng thực hiện luôn”, Tuyết Nhi chia sẻ.
Nhi kể, ban đầu chỉ với 80 triệu đồng, cô đã xin cha mẹ cải tạo lại phòng khách, mua 15 ô chuồng và những vật dụng cơ bản đủ để hoạt động. Thay vì lựa chọn vật liệu làm chuồng bằng sắt hay inox lạnh lẽo như nhiều cơ sở khác, Tuyết Nhi đầu tư chuồng bằng gỗ tốt và cửa kính, bởi theo cô, chất liệu gỗ có công năng vô cùng tuyệt vời, các chi tiết đều được gia công đẹp, nhiều mẫu mã, kích thước, dễ vệ sinh; quan trọng nhất là hạn chế được bệnh và tránh lây nhiễm chéo.
Việc chăm sóc sức khoẻ cho thú cưng không phải là vấn đề lớn, nhưng thời gian đầu khởi nghiệp, Nhi cũng gặp không ít khó khăn về chuyện mùi tiết ra từ cơ thể chó, mèo.
“Trong quá trình làm, tôi rút kinh nghiệm và sắm các máy móc như máy lọc không khí, máy phun sương tạo mùi thơm cho phòng, sử dụng cồn xịt khuẩn… nên đã giải quyết được vấn đề này”, Tuyết Nhi tâm sự.
Đến nay, địa chỉ "khách sạn" cho chó mèo của Nhi đã hoạt động ổn định hơn 1 năm, lượng khách ngày càng đông với nguồn chủ yếu từ khách quen giới thiệu. Vừa làm, Nhi vừa tích cóp tiền để tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị và thêm phòng nghỉ cho chó mèo.
Chuồng gỗ, cửa kính tuy tốn chi phí hơn nhưng đảm bảo an toàn cho thú cưng. |
"Đến nay, khách sạn dành cho chó mèo đã lên đến 25 phòng, trong đó có cả phòng đơn và phòng đôi. Phòng đôi dành cho chó, mèo muốn ở chung hoặc nuôi con. Mỗi phòng có đầy đủ nhà vệ sinh, nước uống, thức ăn, đồ chơi… để chó, mèo được thoải mái. Tổng đầu tư đến nay khoảng hơn 200 triệu đồng”, Nhi cho biết.
Vào cuối tuần, nhu cầu sử dụng dịch vụ lưu trú “khách sạn” thường tăng cao do chủ nuôi bận công việc hoặc đi chơi xa không chăm sóc được. Cao điểm nhất phải kể đến các dịp nghỉ lễ dài ngày như Tết Dương lịch hay Tết Nguyên đán, số lượng chó mèo cảnh thường tăng đột biến, thậm chí quá tải.
Dịch vụ này thường bao gồm việc lưu trú, chăm sóc, vệ sinh, tắm rửa và phục vụ ăn uống. Ngoài ra, còn kiểm tra sức khỏe thường xuyên cho thú cưng, tắm, vệ sinh chuyên sâu, cắt tỉa lông, móng... Giá dịch vụ dao động từ vài chục cho đến vài trăm nghìn, tùy thuộc vào kích thước của thú cưng và nhu cầu của gia chủ.
Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc không phải thú cưng nào cũng "hợp tác". Đối với những chú mèo cá biệt, khó tính thì việc chăm sóc có phần vất vả hơn. Có những chú mèo chưa quen việc được chăm sóc kỹ nên thường hoảng sợ và cào, cắn khi đụng vào.
Tuyết Nhi chia sẻ, với nghề này, kỹ năng tiếp xúc, làm quen ban đầu với con vật rất quan trọng. Chó, mèo đến đây, nhiều con rất dữ, người chăm sóc phải đối mặt với rủi ro như bị cắn, tấn công, nguy cơ mắc bệnh dại.
"Lúc đầu, việc bị cào xước tay, cắn chảy máu là chuyện thường ngày nên cứ định kỳ tôi phải đi tiêm phòng. Giờ thì cũng có kinh nghiệm hơn nên tôi đoán được tính tình của chúng nên hạn chế được những chuyện này", Nhi cho biết.
"Khách sạn" trau chuốt từng chi tiết để thú cưng được sử dụng dịch vụ tốt nhất. |
Nhiều thú cưng bướng bỉnh và khó bảo, nhưng sau một thời gian gửi “khách sạn” được "chị Nhi" đào tạo, huấn luyện đã trở nên thuần tính và đáng yêu đến mức nhiều khách hàng khi nhận lại thú cưng của mình... không nhận ra!
“Đó là niềm vui và hạnh phúc nhất với chúng tôi”, chị Nhi cho hay.
Thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng
Khi được hỏi về kinh nghiệm cho người mới khởi nghiệp, Tuyết Nhi hào hứng tâm sự: Thu nhập là một động lực nhưng khi có sự kiên trì mới có thể gắn bó lâu dài với nghề. Tình yêu thương với động vật mới là điều tiên quyết mang lại uy tín, thành công cho những ai theo nghề.
“Để làm được công việc này đòi hỏi mình phải có sự kiên trì, tỉ mỉ và nhất là tình yêu thương dành cho thú cưng thì mới làm được. Vì chó, mèo cũng như một đứa trẻ, rất bướng bỉnh và rất dễ cào hoặc cắn mình”, chị Nhi chia sẻ.
Việc chăm sóc sắc đẹp cho thú cưng vừa giúp Nhi kiếm được một khoản tiền, vừa hút "khách" đến lưu trú. |
Mỗi sáng, Nhi bắt đầu ngày mới bằng việc vệ sinh, khử khuẩn các ô chuồng, kiểm tra sức khỏe và cho thú cưng ăn sáng. Thời gian chính trong ngày, cô gái trẻ tất bật với việc tắm, vệ sinh chuyên sâu, cắt tỉa lông, móng cho chó mèo.
Dịch vụ lưu trú với mô hình khách sạn thú cưng do Nhi kinh doanh rất được khách hàng ưa chuộng. Khi khách hàng đi du lịch hay có việc bận sẽ đến gửi thú cưng.
Lần đầu tiên đưa thú cưng đến sử dụng dịch vụ, chị Trương Phúc Như (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đánh giá cao về dịch vụ cũng như các nhân viên ở đây: “Tôi được vài người bạn giới thiệu nên cũng đưa bé mèo qua đây thử trải nghiệm xem như thế nào. Lần đầu tiên đưa qua khách sạn của chị Nhi, tôi thấy bé mèo được chăm sóc nhiệt tình, ăn uống rất nhiều và đặc biệt chỗ ở rất sạch sẽ thơm tho, không bị ám mùi nên tôi rất yên tâm".
Là khách quen, anh Trịnh Trung Tín (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), chia sẻ đã đưa thú cưng đến sống tại “khách sạn” của chị Nhi đã 10 lần, sự hài lòng nhất đó là chỗ ở của các thú cưng không bị chật hẹp và sử dụng lồng kính ít bị lây bệnh chéo.
Lượng khách ngày càng tăng, cô gái trẻ Cần Thơ kể, trừ chi phí, mỗi tháng cơ sở cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Khi Tết đến, doanh thu còn tăng cao hơn gấp 2, 3 lần khi nhu cầu sửa soạn cho thú cưng "ăn Tết" của khách hàng rất lớn.
Với thu nhập tương đối khá, lượng khách ngày càng nhiều, Nhi dự định sẽ tăng thêm số phòng "khách sạn" cho mèo ở cơ sở hiện tại và trong năm nay mở thêm cơ sở mới.
Trông giữ thú cưng dịp Tết những năm gần đây trở thành một dịch vụ rất đắt khách. Người Hà Nội, Sài Gòn sẵn sàng chi hàng trăm cho đến hàng triệu đồng để thuê “khách sạn 5 sao” cho chó, mèo cưng của mình lưu trú. Nhu cầu này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội khởi nghiệp cho nhiều bạn trẻ như Tuyết Nhi.
Huyền Anh