Vụ bí đỏ hồ lô đầu năm 2024 vừa qua, các thành viên và nông dân liên kết của HTX nông nghiệp Phú Sơn (xã Phú Sơn, huyện Nho Quan) ai cũng phấn khởi vì được mùa, được giá. Không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước, bí đỏ hồ lô cũng thành công xuất khẩu sang Hàn Quốc.
“Kiếm bộn” từ bí đỏ hồ lô
Ông Nguyễn Văn Long, đại diện HTX Phú Sơn, cho biết cây bí đỏ hồ lô được đưa vào trồng thử nghiệm ở xứ Đồng Trung, thuộc xã Phú Sơn từ cuối năm 2023 với diện tích 12 ha.
Đến nay, chỉ qua 2 vụ canh tác, cây bí đỏ hồ lô đã cho thấy sự thích ứng tuyệt vời với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, cây chịu hạn tốt, năng suất đạt 48-50 tấn/ha, tổng sản lượng toàn xã Phú Sơn hiện đạt trên dưới 600 tấn/vụ.
“Vụ vừa qua, với giá thành được doanh nghiệp bao tiêu tại ruộng là 2.500 đồng/kg, tổng doanh thu của 12 ha bí đỏ đạt trên 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận đạt 960 triệu đồng. Nếu so sánh cây bí với cây lúa hoặc một số cây trồng truyền thống của địa phương thì cao hơn gấp 3,5 lần so với cấy lúa”, ông Long hồ hởi chia sẻ.
Bí đỏ hồ lô đang cho giá trị kinh tế cao, có thể nhân rộng ở nhiều địa phương tại Ninh Bình (Ảnh: BNB). |
Không chỉ ở Phú Sơn, cây bí đỏ hồ lô cũng đang được triển khai ở xã Thạch Bình. Từ cuối năm 2023, toàn xã triển khai trồng bí đỏ hồ lô xuất khẩu trên diện tích khoảng 8 ha.
Ông Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình, cho hay sau 2 vụ triển khai thí điểm, kết quả thực tế chỉ ra so với các cây trồng khác ở trên địa bàn xã thì không có cây nào thu nhập bằng. Những thành công trong quá trình thử nghiệm là cơ sở để xã chủ động nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Đáng chú ý, để đảm bảo hiệu quả bền vững, ngành nông nghiệp địa phương đang định hướng HTX, nông dân phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào canh tác, đồng thời chủ động liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo thị trường tiêu thụ.
Được biết, khoảng 50% các khâu chăm sóc bí đỏ tại Phú Sơn và Thạch Bình đã được cơ giới hóa. Như trong khâu xử lý đất, nông dân sử dụng máy cày, tạo luống; trong khâu thủy lợi, nông dân sử dụng máy bơm, nhiều khu ruộng ứng dụng tưới tự động; các phương tiện vận tải cũng được đưa vào vận hành để giảm công lao động cho con người, nâng cao giá trị canh tác...
Hiệu quả trồng sắn dây
Nếu ở Nho Quan có cây bí đỏ hồ lô thì ở TP. Tam Điệp đang có cây sắn dây cũng đang ngày càng khẳng định giá trị, trở thành một trong những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn.
Ở Tam Điệp, cây sắn dây được trồng rải rác khắp các xã, phường. Tuy nhiên, thôn 2, xã Đông Sơn là địa phương tập trung nhiều nhất với diện tích triển khai khoảng 15 ha, thu hút hàng chục hộ sản xuất, mỗi hộ sở hữu từ 3 - 4 sào đến vài mẫu.
Để nâng cao thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, năm 2018, 14 hộ nông dân trồng sắn dây ở thôn 2 đã tập hợp lại cùng nhau thành lập HTX sản xuất tiêu thụ tinh bột sắn dây an toàn Đông Sơn.
Theo ông Vũ Tuấn Hoan, Giám đốc HTX, trước khi có HTX, các sản phẩm của nông dân sau khi thu hoạch phục thuộc hoàn toàn vào thương lái, thị trường bấp bênh nên hiệu quả canh tác cũng trồi sụt. Sau khi thành lập, với sự đồng hành của cơ quan quản lý, HTX đã thực hiện điều tra, thống kê sơ bộ diện tích cây sắn dây được trồng trên địa bàn.
Ninh Bình đang định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn gắn với công nghệ cao. |
Trên cơ sở diện tích canh tác thực tế, HTX tiến hành tổ chức lại sản xuất từ chăm sóc, thu hoạch, ứng dụng khoa học công nghệ để chế biến sản phẩm, giảm lượng xuất bán thô, từ đó nâng cao đáng kể năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho các hộ trồng sắn dây.
Hiện tại, các thành viên HTX đều đang tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trồng, chăm sóc, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ cỏ hay bất kỳ hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kích thích nào khác. Kết quả, HTX đã được trao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của TP.Tam Điệp.
Ông Lê Thành Trung, thành viên HTX Đông Sơn, cho hay gia đình ông có 5.000 m2 chuyên trồng sắn dây, thu nhập bình quân trên dưới 100 triệu đồng/năm. May mắn tham gia HTX, các thành viên hỗ trợ nhau về công lao động, máy móc nên khâu thu hoạch nhàn hơn trước rất nhiều.
“Tất cả các khâu từ rửa củ, nghiền, lọc lấy tinh bột, phơi sấy đều được thay thế dần bằng các loại máy móc hiện đại nên đã giảm công lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện tôi không bán củ tươi nữa mà đưa vào chế biến hết. Sản phẩm của chúng tôi làm ra đều được gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc, có số điện thoại để người tiêu dùng có thể phản ánh về chất lượng”, ông Trung phấn khởi nói.
Đẩy mạnh khoa học kỹ thuật
Hiệu quả trồng bí đỏ hồ lô hay trồng sắn dây chỉ là một trong rất nhiều cây trồng mới cho hiệu quả cao được hình thành trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng an toàn gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao ở Ninh Bình.
Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 34%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt hơn 10%.
Trên địa bàn tỉnh cũng hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao như: vùng trồng lúa theo hướng hữu cơ ở các huyện Yên Khánh, Kim Sơn với diện tích trên 500 ha; vùng trồng na trái vụ với diện tích trên 200 ha trên địa bàn huyện Nho Quan…
Những kết quả trên từng bước hiện đại hoá ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình theo chiều sâu, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến tiếp tục tập trung phát triển theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, phát triển công nghiệp chế biến quy mô phù hợp, nhất là chế biến sâu, chế biến công nghệ cao, bảo quản gắn với thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Trên cơ sở tận dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật để không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất.
Lệ Chi