Cách đây 2 năm, khi quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng để chuyển đổi hơn 1.000 m2 đất trồng cây lương thực sang trồng dưa theo hướng công nghệ cao, bản thân chị Đàm Thị Thảo (xã Trường Hà) cũng không ngờ thành công lại đến sớm với gia đình mình như thế.
Chuyển biến về tư duy
Chị Thảo chia sẻ, trước năm 2022, toàn bộ diện tích đất của gia đình chị trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô, sắn. Vì phương thức sản xuất lạc hậu, năng suất, chất lượng không cao, thị trường bấp bênh nên hiệu quả kinh tế ở mức rất thấp.
Sau thời gian tìm hiểu, được sự hỗ trợ từ cán bộ nông nghiệp địa phương, chị Thảo đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà lưới, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, chuyển đổi sang trồng các loại dưa chất lượng cao, như dưa lưới, dưa hấu, dưa chuột, dưa lê…
Ngày càng có nhiều nông dân ở Hà Quảng mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. |
Sự chủ động trong đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng hiệu quả khoa học, kỹ thuật mới giúp chị Thảo nhanh chóng gặt hái thành công. Đến nay, trang trại xanh mang tên Pác Pó Farm của chị đang triển khai gối vụ hơn 4.000 cây dưa các loại.
Nhờ trồng trong nhà lưới, cây dưa phát triển ổn định, giảm sự phục thuộc vào thời tiết cực đoan, đặc biệt hạn chế các loại sâu bệnh, côn trùng gây hại, giúp chị Thảo tiết kiệm 15-40% các loại chi phí đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), đồng thời năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên đáng kể.
Sau gần 2 năm đưa vào triển khai, hiện trang trại Pác Pó Farm đã cho thu hoạch vụ thứ 5, sản lượng bình quân 3-5 tấn dưa các loại, doanh thu đạt trên dưới 100 triệu đồng/năm.
“Chỉ sau một năm, chúng tôi đã bắt đầu có lãi, vốn xoay vòng để đảm bảo sản xuất”, chi Thảo hồ hởi nói.
Không chỉ là những trường hợp riêng lẻ, phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ đã, đang và sẽ là định hướng của toàn ngành nông nghiệp huyện Hà Quảng, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, làm giàu bền vững cho nông dân.
Liên kết nâng cao nội lực
Đáng chú ý, trong tầm nhìn đến năm 2030, huyện Hà Quảng đang tập trung xây dựng và mở rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp.
Với những chính sách hỗ trợ đặc thù, trên địa bàn huyện đã hình thành hàng chục mô hình HTX, tổ hợp tác tiêu biểu, trở thành điểm tựa cho nông dân trong trồng trọt, chăn nuôi, từng bước nâng tầm thương hiệu, gia tăng thu nhập cho thành viên.
Điển hình, HTX Nông nghiệp & Chăn nuôi Bảo Hưng, xã Trường Hà đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật mới và sản xuất và sự năng động trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật mới và sản xuất giúp nông dân, HTX ở Hà Quảng nâng cao giá trị kinh tế. |
Đi vào hoạt động từ năm 2016, hiện HTX Bảo Hưng có gần 3.000 con gà mái nuôi lấy trứng, 40 con lợn nái, lợn thịt (cao điểm có 200 con lợn); riêng từ trứng gà đem lại doanh thu trung bình hơn 700 triệu đồng/năm, thu nhập của người lao động 5 triệu đồng/tháng.
Giám đốc HTX Lê Bảo Hưng cho biết HTX được Nhà nước hỗ trợ hơn 500 triệu đồng xây dựng các hạng mục hạ tầng; thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư nuôi thêm 1.000 con gà. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX rất thiết thực, tạo điều kiện cho HTX phát triển.
Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ kịp thời của địa phương, cùng sự năng động, dám nghĩ dám làm của nông dân, HTX, doanh nghiệp đang tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng ở Hà Quảng.
Trong những nỗ lực tạo chuyển biến về cả quy mô và hiệu quả, ngành nông nghiệp huyện đang tạo điều kiện hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất với quy mô lớn, trong đó tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, nhất là sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao.
Quy hoạch vùng theo thế mạnh
Theo thông tin từ UBND huyện Hà Quảng, thời gian qua, huyện đã phát triển các mô hình điểm như trồng gừng trâu sản xuất theo hướng hữu cơ 111,7 ha, cây ớt hữu cơ 5 ha, lạc hàng hóa 872,8 ha, thuốc lá 971,6 ha…
Đặc biệt, xác định ứng dụng dụng khoa học công nghệ là then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp huyện tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng thuốc lá chất lượng cao, trồng gừng hữu cơ, ớt hữu cơ, trồng lạc L14.
Huyện cũng tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn triển khai các nhiệm vụ khoa học, các mô hình thử nghiệm về cây trồng, vật nuôi thực hiện theo quy trình kỹ thuật thông minh như: mô hình nuôi cá nheo Mỹ, nuôi cá tầm tại xã Trường Hà; mô hình trồng trồng dưa trong nhà lưới tại xã Đa Thông; mô hình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây thuốc lá tại xã Lương Can; cải tạo lò sấy thuốc lá truyền thống bằng lò sấy thoát ẩm qua đường ống khói rút ngắn thời gian sấy từ 5 ngày xuống 3 ngày, thay thế nhiên liệu đốt bằng củi sang than giảm 60% chi phí nhiên liệu đốt so với lò truyền thống…
Với những thành công ban đầu, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch vùng theo thế mạnh. Đồng thời, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương được các cấp chính quyền tập trung thực hiện.
Cụ thể, về quy hoạch sản xuất nông nghiệp phân thành 2 vùng tập trung: Vùng cao Lục Khu ưu tiên phát triển cây nông nghiệp hàng hóa như cây lạc L14, gừng trâu, ngô, đỗ tương, sả, ớt; chăn nuôi lợn đen, bò Mông…; Vùng thấp phát triển vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như cây thuốc lá, lúa, ngô ngọt, các loại dưa; một số cây ăn quả như quýt, bưởi da xanh; làng nghề, dịch vụ du lịch, nuôi cá lồng…
Các vùng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao như gừng trâu, ớt hữu cơ, mô hình sản xuất trong nhà màng cũng được huyện tập trung triển khai xây dựng, mở rộng diện tích.
Lệ Chi