Làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền và được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống và được chọn là một trong các sản phẩm đặc sản đặc trưng của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm này với số lượng lớn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là chuyện không dễ dàng.
Chủ động ứng dụng công nghệ
Vậy nhưng, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng và Liên minh HTX tỉnh, HTX Hai Hiền đã ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống náo đảo tự động vào sản xuất, từ đó giúp sản phẩm nước mắm Cửa Khe định vị được thương hiệu trên thị trường.
Nếu như theo cách truyền thống, các thành viên HTX phơi cá trực tiếp từ mặt trời với thời gian dài thì nay, các thành viên lấy nhiệt từ hệ thống tấm thu năng lượng mặt trời.
Công nghệ này giúp giảm được 4-5 tháng làm nước mắm so với cách làm lâu nay (trung bình từ 12 tháng xuống 7-8 tháng). Suốt quá trình ủ, công nghệ náo đảo tự động giúp các thành viên không cần phải mở nắp thùng ủ cá để phơi nắng nên giảm được lượng nước mắm cốt bay hơi và bay mùi thơm đặc trưng gây ô nhiễm môi trường.
Chính vì vậy, năng suất nước mắm của HTX tăng 30% so với phương pháp thủ công. Sản phẩm cũng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vì hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn trong quá trình sản xuất, chế biến. Nếu trong quá trình ủ, các thành viên mở nắp thùng để thực hiện náo đảo thủ công sẽ thu hút côn trùng, ruồi nhặng từ đó làm tăng nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhờ đi đầu trong ứng dụng công nghệ, cơ sở sản xuất của HTX Hai Hiền đã trở thành một điểm du lịch xanh của địa phương và được nhiều khách du lịch lựa chọn. Ngoài ra, sản phẩm của HTX còn là sản phẩm OCOP đặc trưng và được tiêu thụ ổn định trên các trang thương mại điện tử.
Sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời giúp các HTX hạn chế phụ thuộc vào thời tiết. |
Ngay như ở Hà Tĩnh, một địa phương với nhiều làng nghề sản xuất nước mắm nhưng nhiều cơ sở vẫn còn sử dụng “công nghệ” lạc hậu như thau, chậu nhựa đựng nước, thạp sành không chuyên để sản xuất và đựng nước mắm. Điều này khiến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm không được bảo đảm.
Tuy nhiên, để thoát khỏi tình trạng cạnh tranh gay gắt với nhiều thương hiệu nước mắm trên thị trường cũng như khẳng định sản phẩm với người tiêu dùng, HTX Thiên Phú (Hà Tĩnh) đã huy động vốn, mạnh dạn áp dụng công nghệ muối nước mắm bằng năng lượng mặt trời với số vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng. Khi chín, nước mắm được lọc qua hệ thống hiện đại và đóng gói theo quy trình khoa học.
So với cách lọc nước mắm truyền thống thì nước mắm được lọc qua máy lọc vừa đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm được thời gian, công sức trong khi đầu tư không quá lớn.
Điều thuận lợi là HTX được sự hỗ trợ của địa phương để đưa cơ sở sản xuất của ra xa khu dân cư. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để HTX Thiên Phú đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cấp quy mô sản xuất, phát triển thương hiệu “Nước mắm Lạch Kèn” đạt OCOP 3 sao. Đặc biệt, với công nghệ quét mã QR, HTX có thể giúp người tiêu dùng tìm hiểu về xuất xứ nguồn gốc sản phẩm một cách nhanh chóng.
Dự định trong thời gian tới, HTX Thiên Phú tiếp tục đầu tư công nghệ, nâng cấp bao bì, nhãn mác để hướng đến đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Hướng đến tương lai bền vững
Có thể thấy, nếu chỉ phát triển theo hướng truyền thống, lạc hậu thì các HTX trên khó có thể vươn xa trên thị trường. Tuy nhiên, nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất, các HTX sản xuất nước mắm đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, công nghệ cũng giúp các HTX tiết kiệm diện tích sản xuất, đảm bảo yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, không gây ô nhiễm và tác động đến môi trường (mùi đặc trưng của mắm)...
Bà Lê Thị Khương, Giám đốc HTX nước mắm Phú Khương (Hà Tĩnh) cho rằng ứng dụng công nghệ hiện đại giúp nước mắm tạo ra có màu đẹp, vẫn giữ được độ đạm, thơm ngon và có mùi đặc trưng như với cách thức ủ và đảo chượp truyền thống.
Ngoài ra, khoa học công nghệ còn giúp thị trường đầu ra của các HTX ngày càng rộng mở, góp phần nâng cao chất lượng cũng như uy tín và thị phần của sản phẩm trên thị trường.
Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, thời gian gần đây, việc sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời trong sản xuất nước mắm được ứng dụng rộng rãi ở nhiều HTX tại các địa phương khác nhau đã đem lại hiệu quả tích cực, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nước mắm truyền thống.
Quá trình ứng dụng khoa học công nghệ này giúp sản xuất của các HTX không phụ thuộc thời tiết, giúp giảm 90% công lao động, 70% tiền điện.
Chính vì vậy, các địa phương cần tạo điều kiện, hỗ trợ người dân, HTX tiếp tục ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương để thúc đẩy các làng nghề phát triển cũng như nâng cao thu nhập cho người dân, thành viên HTX.
Tùng Lâm