Sau 2 năm đạt chuẩn nông thôn mới, tháng 5/2020, Vĩnh Thanh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo đó, cơ sở hạ tầng của xã từng bước được đầu tư hiện đại, kinh tế - xã hội phát triển, môi trường cải thiện, an ninh chính trị được giữ vững, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao. Những điều này góp phần tạo sức bật trong phát triển sản xuất - kinh doanh, người dân làm giàu trên chính mảnh vườn thửa ruộng của mình.
Đổi thay từ đời sống đến sản xuất
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/năm. Trên 90% hộ gia đình có nhà ở đạt chuẩn theo quy định. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,06%. 100% tuyến đường liên ấp, trục ngõ xóm đều bê-tông hóa. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoạt động văn hóa có nhiều khởi sắc.
Vĩnh Thanh là xã thuần nông nên xác định xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ sản xuất là một hướng đi phù hợp. Do vậy, địa phương tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện cơ giới hóa, gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để xây dựng nông thôn mới, hướng đến đối tượng thụ hưởng quan trọng nhất là người nông dân.
Xã đã tập trung quy hoạch từng tiểu vùng sản xuất, cánh đồng lớn, gắn với các trạm bơm điện, ô đê bao khép kín, các tổ hợp tác tưới tiêu, chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị. Diện tích gieo trồng lúa hàng năm của xã hơn 9.400 ha. Tính đến nay, xã Vĩnh Thanh đã xây dựng được 28 cánh đồng lớn, 16 ô đê bao khép kín chủ động tưới tiêu, hơn 30 trạm bơm điện phủ đều ở 14 ấp của xã phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất. Việc xây dựng cánh đồng lớn gắn với các ô đê bao khép kín đã tạo sức bật mới trong sản xuất lúa 3 vụ/năm với năng suất khoảng 8 tấn/ha.
Mỗi sào rau cần cho thu hoạch hơn 5 tấn, bán với giá khoảng 20 triệu đồng, lợi nhuận ước đạt 60%. |
Cùng với đó, xã động viên nhân dân xây dựng mô hình sản xuất kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình trồng rau cần nước đã được chứng minh tính hiệu quả từ hàng chục năm qua được địa phương phát huy một cách tối đa, qua đó nâng cao thu nhập và làm giàu cho rất nhiều nông hộ.
Hiện tại, mô hình rau cần đang được trồng theo hướng an toàn sinh học ở HTX nông nghiệp 8/3 là điểm nhấn trong phát triển kinh tế.
Với vai trò "bà đỡ", HTX đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Phước Long hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng rau cần nước theo quy trình khoa học. Người dân đã nắm rõ thời gian xuống giống, phương pháp cải tạo đất, cách sử dụng phân bón, cách phòng trừ sâu bệnh hợp lý...
Nhờ áp dụng những cách làm mới, mô hình sản xuất của HTX 8/3 cho năng suất ổn định. Đặc biệt, thời gian sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được cách ly khoảng 15 ngày trước thu hoạch giúp rau cần nước đảm bảo an toàn, không nhiễm chất độc hại.
Sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận rau an toàn và đủ tiêu chuẩn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đến nay, rau cần nước đã đạt OCOP 3 sao và trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Hướng đến một miền quê đáng sống
Ngoài HTX 8/3, HTX nông nghiệp 19/5 cũng là mô hình tiêu biểu khi hỗ trợ người dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Các thành viên biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể như sử dụng giống mới, sạ hàng, sạ thưa, áp dụng chương trình 3 giảm 3 tăng từ đó lúa ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, lãi cao.
Bên cạnh đó, HTX cùng nhân dân đầu tư hệ thống thủy nông nội đồng bằng cách xây mới hay nạo vét các con kênh bị bồi lắng. Nhờ đó, việc sản xuất không còn khó khăn, năng suất lúa đạt trung bình 8 tấn/ha. Ngoài ra, HTX còn hướng dẫn người dân trồng thêm rau màu, nuôi cua để nâng cao thu nhập
Theo đánh giá của UBND xã, việc các HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Cơ sở hạ tầng của xã từng bước được đầu tư hiện đại. |
Đến nay, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng như: Vườn cây, ao cá; cải tạo vườn tạp; nuôi cá sấu, cua đinh; sản xuất lúa hữu cơ gắn với bao tiêu sản phẩm, sản xuất rau cần nước theo hướng an toàn…
Thời gian tới, xã tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó xác định nông nghiệp vẫn là khâu đột phá nhằm phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương. Để làm tốt điều này, Vĩnh Thanh sẽ tạo mọi điều kiện để phát triển các mô hình tổ hợp tác, HTX, từ đó tạo điều kiện cho phát triển kinh tế một cách bền vững theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản
Với những mục tiêu, nền tảng vững chắc, Vĩnh Thanh đang hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, một miền quê đáng sống với những nét đẹp riêng, người dân dần có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Theo kế hoạch xã sẽ hoàn thành các tiêu chí, hướng đến năm 2021 được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó tạo nền tảng giúp huyện Phước Long xây dựng nông thôn mới.
Huyền Trang