Đáng lo ngại hơn khi Việt Nam là một trong những nước chịu tổn thương lớn nhất trên thế giới về tác động biến đổi khí hậu (BĐKH). Do vậy, việc tích cực ứng dụng cuộc cách mạng khoa học và công nghệ (KH&CN) mới sẽ mang lại giải pháp đột phá để giải quyết các thách thức của nông nghiệp và BĐKH hiện nay, trong đó có việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý chuỗi cung ứng nông sản bền vững.
Nhiều thách thức do BĐKH
Thống kê của Ngân hàng thế giới cho thấy: Việt Nam là nước đứng đầu về những hậu quả nặng nề liên quan tới dân số và tăng trưởng GDP trong 84 quốc gia đang phát triển vùng ven biển chịu ảnh hưởng của nước biển dâng. Nước biển dâng 1 cm, năng suất lúa canh tác ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguy cơ giảm 40,5%). Đứng thứ hai về những tác động tới diện tích đất và sản xuất nông nghiệp, giảm 12% diện tích sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và 24% ở ĐBSCL.
Dự báo đến năm 2050, sản lượng lúa Xuân giảm 716,6 kg/ ha, lúa Hè giảm 795 kg/ ha, tương đương giảm 1.475.000 tấn/năm; sản lượng ngô giảm 781,9 kg/ha, tương đương giảm 880.000 tấn/ năm. Năng suất một số nhóm sản phẩm khác giảm, như: Cà phê giảm 6,6%, sắn giảm 3,6%. Phần lớn vùng ĐBSH và ĐBSCL chìm trong nước, gây bất lợi lớn đến ngành thủy sản, nuôi trồng thủy sản trong ao, hồ có thể bị thiệt hại hoàn toàn do nước biển dâng.
Theo ông Đinh Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nông nghiệp là một trong những ngành dễ bị tổn thương nhất với BĐKH. Tác động của BĐKH đến nông nghiệp và các ngành liên quan về kinh tế có thể làm giảm 0,7 - 2,4% GDP của Việt Nam vào năm 2050. Tổng năng suất nông nghiệp có thể sẽ giảm 5,8 lần nếu không có hành động ứng phó với BĐKH và sẽ tăng thêm 5,4 lần nếu các bên liên quan trong nông nghiệp thực hiện các hành động chủ động hơn để ứng phó với BĐKH. Với mực nước biển dâng cao 1 m, dự báo sẽ có khoảng 10.962 km2 diện tích đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bị ngập.
“Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã và đang tham gia tích cực trong xây dựng phát triển nhiều vùng nguyên liệu, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, góp phần giảm phát thải và sản xuất nông nghiệp bền vững. Do vậy, thách thức lớn nhất là việc đưa sản phẩm nông sản ra thị trường và bảo đảm chất lượng sản phẩm khi được đưa vào chuỗi cung ứng”, ông Khải băn khoăn.
![]() |
Hội thảo diễn ra ngày 17/12, tại Tp.HCM |
Ứng dụng công nghệ để hạn chế rủi ro
Theo đánh giá của các chuyên gia, trước thực trạng này, Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Paris về khí hậu, đệ trình Kế hoạch Quốc gia tự nguyện (NDC) và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, thể hiện cam kết quốc gia cao nhất trong hầu hết các lĩnh vực.
Tuy nhiên, trong điều kiện hạn chế về nguồn lực và năng lực, Việt Nam cần xác định những lĩnh vực cần ưu tiên giải quyết nhằm tạo ra tác động toàn diện về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, rất cần các giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho sự hợp tác đa bên, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nhân dân và huy động đẩy mạnh sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, giới nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân.
Phát biểu tại hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng nông sản vì một nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH” diễn ra tại Tp.HCM ngày 17/12, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Cường, cho biết: Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức đại diện quốc gia cho hơn 120.000 tổ hợp tác, hơn 23.000 HTX, và gần 80 Liên hiệp HTX tại Việt Nam, trong đó hơn 60% các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước triển khai nhiều hoạt động trong phát triển khu vực kinh tế hợp tác, HTX tại Việt Nam. Đặc biệt là gắn kết các HTX tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản có giá trị và chất lượng cao, ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo, giúp các HTX đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam ra thị trường trong và ngoài nước.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường, cuộc cách mạng KH&CN mới đã và sẽ tiếp tục mang lại giải pháp đột phá dựa trên nền tảng công nghệ để giải quyết các thách thức của phát triển hiện nay, trong đó nông nghiệp và BĐKH là một trong những lĩnh vực được quan tâm. "Công nghệ thông tin đã giúp tạo ra nhiều hệ sinh thái mới cho các sản phẩm nông sản. Công nghệ sinh học và nano giúp tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giúp giải quyết nhiều khâu của ngành nông nghiệp từ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ. Qua đó, hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng cho các sản phẩm hoa quả, lúa - gạo và tôm - cá... để bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường nhận định.
Phạm Duy