Nằm trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện hướng tới Diễn đàn Kinh tế hợp tác (KTHT), HTX 2019 dự kiến được tổ chức vào trung tuần tháng 10/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tọa đàm này nhằm tập hợp các ý kiến để tạo thành những nhóm vấn đề được trình bày tại Diễn đàn KTHT, HTX 2019. .
Tham dự Tọa đàm có Thường trực Liên minh HTX Việt Nam; Cục Phát triển HTX (Bộ KH&ĐT); Cục KTHT và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương); đại diện Liên minh HTX các địa phương, các Giám đốc, Chủ tịch HĐQT của gần 100 HTX.
Tại tọa đàm, các nội dung chính sẽ được chia sẻ, gồm: Rà soát những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KTHT; đánh giá hoạt động của các mô hình HTX kiểu mới tại các địa phương, các chính sách thúc đẩy phát triển HTX hoạt động có hiệu quả; bài toán thị trường cho các HTX và chia sẻ những khó khăn từ phía các HTX trong thực tiễn hoạt động tại địa phương, kiến nghị giải pháp tháo gỡ...
Được biết, đến hết ngày 30/6/2019, cả nước đã thành lập mới được 1.024 HTX, 1 Liên hiệp HTX và 2.689 THT; đạt 41% và 44% kế hoạch năm 2019 đặt ra tại Nghị quyết số 09/NQ-LMHTX ngày 20/1/2019, nâng tổng số HTX hoạt động trên cả nước là 23.280 HTX; 75 Liên hiệp HTX và 104.861 THT, có gần 900.000 thành viên mới tham gia HTX, THT.
Hiện nay, cả nước có 23.280 HTX, trong đó có hơn 50% là HTX nông nghiệp, 2.323 HTX công nghiệp - TTCN; 1.996 HTX thương mại, dịch vụ; 1.392 HTX vận tải; 894 HTX xây dựng; 1.180 quỹ TDND; gần 1.000 HTX môi trường và lĩnh vực khác, với gần 8 triệu thành viên, trực tiếp tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hơn 30 triệu người.
Năng lực quản trị của các HTX có nhiều tiến bộ, quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động của HTX tăng so với năm trước. Các HTX không chỉ giảm chi phí sản xuất của các hộ gia đình thành viên mà còn làm tăng thêm giá trị thu nhập 14%/năm. Hầu hết các HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Nhiều địa phương, HTX đang trở thành loại hình phổ biến, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tổ chức sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, vận tải đường bộ. Các địa phương cũng đã xử lý dứt điểm những HTX hoạt động yếu kém. Theo đó, đã giải thể được 3.600 đơn vị, chỉ còn khoảng 600 HTX yếu kém đang đợi giải thể hoặc cải tổ trong thời gian tới.
Các HTX mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho thành viên, có sản lượng hàng hóa lớn đưa ra thị trường, quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, ký kết hợp đồng tiêu thụ với giá bán có lãi, tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. HTX ở các địa phương đóng góp tích cực cho kinh tế tăng trưởng bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, cải thiện môi trường và phát triển tổ chức chính trị xã hội.
BBT