Ông Mai Đức Thịnh - Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển Nông nghiệp 19/5, cho biết ra đời từ năm 2000, HTX tập trung vào phát triển sản xuất và tìm kiếm các nguồn cung ứng vật tư đầu vào như: phân bón, thuốc BVTV, cây giống và nhận chuyển giao các tiến bộ KH-KT cho xã viên.
Thành công nhờ những liên kết
Nổi bật là những liên kết với Viện nghiên cứu Rau quả, công ty TNHH Quốc tế Khánh Sinh, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu Ngô... HTX dành ra 2 ha đất để nghiên cứu về giống, chọn lọc các loại cây ăn quả phù hợp tiến hành trồng thử nghiệm, chọn ra những bộ giống có ưu thế nhất để tiến hành nhân rộng, tìm hiểu các biện pháp chăm sóc tốt nhất để cây phát triển tốt và cho năng suất tối đa.
Thành quả của những mối liên kết đó là một danh sách các loại cây ăn quả ôn đới được coi là đặc sản Mộc Châu, gồm: mận (3 giống), đào chín sớm (2 giống), bơ (2 giống) phân bố trên diện tích khoảng 3.500 ha, ước tính đem lại thu nhập cho nông dân Mộc Châu khoảng 50 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, việc đưa cây ăn quả dài ngày vào sản xuất để tạo sự ổn định lâu dài, lại nảy sinh khó khăn cho nông dân. Từ năm 2003 - 2006, nông dân ở Mộc Châu lâm vào giai đoạn khủng hoảng thừa mận. Đến chính vụ, mận rẻ như cho, bán 20kg mận mới đủ tiền mua 1kg gạo. Mận là cây ôn đới, năng suất rất cao, nhưng thời gian thu hoạch chỉ có 45 ngày, nếu bán quả tươi thì thị trường đầu ra rất hẹp. Sau khi thu hoạch xong chỉ để được 2- 4 ngày, nên trái mận tươi chỉ có thể lưu thông bán ở thị trường miền Bắc. Người dân ngao ngán không thèm hái, để rụng đỏ gốc. Một số chủ vườn đành chặt bỏ mận để trồng ngô, sắn. Thảm kịch đó đã thôi thúc HTX phải tìm ra một lối thoát cho cây mận, chế biến mận thành một loại sản phẩm, hàng hóa không phụ thuộc quá nhiều vào thời vụ.
Chế biến rượu từ mận là phương án rất mới mẻ nhưng HTX đã lựa chọn và quyết tâm thực hiện. Và mẻ rượu mận đầu tiên được chưng cất thành công vào năm 2004. Tháng 10/2007, nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia từ tổ chức ASODIA (Pháp) lãnh đạo HTX đã có chương trình thực tập tại các nông trại Pháp.
Qua chuyến đi này, HTX đã củng cố chất lượng rượu mận, qua quy trình chế biến thực tế tại các hầm rượu hoa quả nổi tiếng thế giới tại Cahor, Armanhag... có cách đây vài thế kỷ. Nhờ sự nỗ lực, “Rượu mận Mộc Châu” chính thức có tên trong loại rượu đặc sản và duy nhất tại Việt Nam được chế biến từ 100% quả mận, đã được cấp bảo hộ tên thương hiệu.
Theo ông Thịnh, phát triển chế biến đã đem lại nhiều lợi ích cho nông dân trồng mận. Trước hết, là giúp tiêu thụ hết mận thu hoạch cho nông dân. “Từ khi chúng tôi đưa mận vào chế biến rượu, giá bán mận tươi liên tục tăng 15% mỗi năm, năm 2015 đạt 12.000 đồng/kg. Việc tận dụng nguồn phụ phẩm sau chế biến (bã quả mận) làm phân bón, giá thể trồng trọt, đã giúp tiết kiệm được chi phí phân bón cho cây trồng”, ông Thịnh cho biết.
![]() |
Ông Mai Đức Thịnh (áo vàng) trong vườn thực nghiệm giống lê, mận của HTX
Hướng đi riêng
Không dừng lại ở sản phẩm rượu, năm 2010, HTX chế biến thành công thêm sản phẩm nữa là mứt mận dẻo, nâng cao giá trị quả mận tươi lên 1,5 lần. Quy trình sản xuất được Sở KH&CN tỉnh Sơn La giúp đỡ hoàn thiện. Sản phẩm “Mứt mận dẻo Mộc Châu” được thị trường đón nhận như một đặc sản đặc trưng nữa của Mộc Châu.
Từ năm 2011 đến nay, nhờ các hoạt động sản xuất liên kết hữu cơ, HTX hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín. Nhận thấy cố gắng và tin tưởng vào những điều HTX sẽ tiếp tục làm được trên vùng đất của mình, tháng 3/2012, ASODIA - vùng Midipyréneés (Pháp), cấp kinh phí cho 2 cán bộ của HTX sang thực tập hoàn thiện các quy trình chế biến mứt nhuyễn hoa quả, tại xưởng của ông Patrick Lesgards.
Hiện nay, HTX có 55 xã viên kỹ thuật trực tiếp làm việc, 300 hộ nông dân (6 dân tộc khác nhau) liên kết cùng sản xuất ra các sản phẩm đặc thù của cao nguyên Mộc Châu, phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển kinh tế của vùng, cung cấp cho thị trường những loại thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các đặc sản chế biến từ trái cây của HTX hiện rất đa dạng, với các loại trái cây mận, đào (Mộc Châu), xoài (Yên Châu), dứa (Chiềng Ve), chuối khô, chuối sấy dẻo. Nhờ phát triển chế biến, nên hầu hết lượng trái cây thu hoạch ở Mộc Châu đều được tiêu thụ hết, không còn xảy ra tình trạng dư thừa phải đổ bỏ.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm của HTX, Giám đốc Mai Đức Thịnh nói: “Mỗi vùng đất, mỗi địa phương có nông sản, sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi riêng, bởi vậy cần tìm ra các hướng đi phù hợp, tạo ra sản phẩm riêng biệt, khác biệt về chất lượng. Phải tìm hướng đi riêng cho mình, tự xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp”.
Chu Khôi