Sáng nay (11/11), tại phiên chất vấn về lĩnh vực ngân hàng, trong đó đối với nội dung hỗ trợ vay vốn, và miễn giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, sản xuất kinh doanh, đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) đặt câu hỏi: Trong bối cảnh vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa đi vào thực thi Luật Hợp tác xã năm 2023, nhận định của Thống đốc về kết quả tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận vốn của kinh tế tập thể, nhất là các đơn vị kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp?
Đại biểu Tâm nhấn mạnh: "Việc này đã được chỉ ra nhiều khi tổng kết Luật Hợp tác xã năm 2012, nhằm hiện thực hoá các quy định về vay vốn ưu đãi, hỗ trợ vay vốn tại điều 23 quy định về chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm của Luật. Trách nhiệm và giải pháp của Thống đốc trong thời gian tới?".
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết các hợp tác xã hiện nay còn tồn tại một số hạn chế, nên khả năng tiếp cận tín dụng cũng bị hạn chế theo. |
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định, phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. NHNN cũng đã quan tâm đối với giải pháp tín dụng, thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, phối hợp với các bộ, ban, ngành, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để rà soát khó khăn, tham mưu đề xuất.
Riêng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác ở trong Luật Hợp tác xã có quy định các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác được hưởng các quy định chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định pháp luật hiện hành. "Hiện nay, trách nhiệm của NHNN liên quan đến tín dụng ưu đãi, đơn vị đã tham mưu phối hợp với các bộ, ngành, trình Chính phủ để ban hành Nghị định số 55 về tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn", Thống đốc cho hay.
Đồng thời, Tư lệnh ngành ngân hàng thông tin thêm: theo chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông nghiệp nông thôn, NHNN cũng đang chủ trì để phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tổng kết có sửa đổi với nghị định này. Theo nghị định này, hợp tác xã cũng là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng như vậy.
Đối với các hợp tác xã thuộc đối tượng cho vay theo chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng này hiện triển khai 27 chương trình tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
"Đây là văn bản NHNN chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ. Nếu hợp tác xã mà thuộc đối tượng của Ngân hàng Chính sách xã hội thì cũng sẽ được tiếp cận", Thống đốc khẳng định.
Ngoài ra, Thống đốc cho biết thời gian qua, NHNN cũng tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng là đầu mối phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội để bố trí nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho các chương trình này.
Từ năm 2014, Ban Bí thư cũng có Chỉ thị số 40 về việc tăng cường sử dụng ngân sách địa phương để ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay. Hợp tác xã cũng là đối tượng được vay ở một số chương trình này.
Tuy nhiên, Thống đốc lưu ý, các hợp tác xã hiện nay còn tồn tại một số hạn chế, nên khả năng tiếp cận tín dụng cũng bị hạn chế theo. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức còn lỏng lẻo; tình hình tài chính minh bạch hạn chế...
Thanh Hoa